Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 8/2023

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 8/2023
Trần Thanh Rin

Nguồn kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP ở địa phương; Điều kiện sử dụng Phần mềm quản lý tài sản công từ ngày 27/8/2023;... là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 8/2023 (từ ngày 21 – 31/8/2023).

1. Nguồn kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP ở địa phương

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 50/2023/TT-BTC ngày 17/7/2023 hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP và điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định 42/2023/NĐ-CP.

Theo đó, nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm các gồm như sau:

- Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2023 đã được cấp có thẩm quyền giao.

- Sử dụng nguồn 70% tăng thu ngân sách địa phương năm 2022 thực hiện so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao (không kể: thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý, thu tiền thuê đất một lần được nhà đầu tư ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu từ xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng để chi đầu tư theo quy định;....).

- Sử dụng nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2022 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có).

- Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2023 sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí.

Riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35% sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí.

Phạm vi trích số thu được để lại thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 50/2023/TT-BTC.

Xem thêm nội dung tại Thông tư 50/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 31/8/2023.

2. Điều kiện sử dụng Phần mềm quản lý tài sản công từ ngày 27/8/2023

Ngày 12/7/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 48/2023/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, khai thác Phần mềm Quản lý tài sản công

Cụ thể, các điều kiện sử dụng Phần mềm quản lý tài sản công từ ngày 27/8/2023 được quyh định như sau:

- Máy vi tính phải được kết nối Internet, cập nhật các bản vá lỗi hệ điều hành về an ninh; được cài đặt chương trình phần mềm diệt virus, cập nhật thường xuyên các bản nhận dạng mẫu virus mới.

- Thông tin nhập vào Phần mềm phải sử dụng phông chữ Unicode TCVN 6909:2001 gõ dấu tiếng Việt. Các văn bản dùng hệ phông chữ khác với Unicode TCVN 6909:2001 phải được chuyển đổi sang định dạng phông chữ Unicode TCVN 6909:2001 trước khi tải vào Phần mềm.

- Mỗi đơn vị nhập dữ liệu quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Thông tư 48/2023/TT-BTC được Bộ Tài chính (Cục Quản lý công sản) cấp một tài khoản (bao gồm: tên đăng nhập và mật khẩu) và phân quyền quản lý, sử dụng để truy cập vào Phần mềm.

- Mỗi đơn vị nhập dữ liệu quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 8 Thông tư 48/2023/TT-BTC được cán bộ quản lý tạo một tài khoản (bao gồm: tên đăng nhập và mật khẩu) và phân quyền sử dụng để truy cập vào Phần mềm. Tài khoản của cán bộ sử dụng do Bộ Tài chính (Cục Quản lý công sản) duyệt.

- Để đảm bảo chất lượng truy cập Phần mềm, khuyến nghị máy vi tính cần đáp ứng các điều kiện sau:

+ Cấu hình máy vi tính: Bộ vi xử lý tối thiểu 2 nhân, tốc độ tối thiểu 2 GHz; bộ nhớ RAM tối thiểu 8GB.

+ Trình duyệt Mozilla Firefox 100+, Google Chrome 100+, Safari 13+ trở lên.

+ Hệ điều hành Windows 10 hoặc các hệ điều hành tương đương trở lên.

Thông tư 48/2023/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 27/8/2023 và thay thế Thông tư 184/2014/TT-BTC.

3. Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Công Thương đối với dịch vụ logistics

Thông tư 15/2023/TT-BCT ngày 30/6/2023 sửa đổi, bổ sung các Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Công Thương do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành.

Theo đó, Thông tư 15/2023/TT-BCT đã bổ sung quyền hạn của Sở Công Thương đối với dịch vụ logistics so với Thông tư 04/2022/TT-BCT.

Cụ thể đối với dịch vụ logistics, Sở Công Thương có nhiệm vụ, quyền hạn như sau:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan tham mưu xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, phương án phát triển dịch vụ logistics và chương trình, đề án phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh;

- Điều phối, hỗ trợ các Sở, ban, ngành, các Hiệp hội địa phương phát triển dịch vụ logistics và nâng cao năng lực doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh;

- Tuyên truyền, phổ biến, phát triển thị trường, kết nối doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

Thông tư 15/2023/TT-BCT có hiệu lực thi hành từ ngày 22/8/2023.

4. Nguyên tắc xây dựng dự toán chi NSNN năm 2024

Ngày 17/7/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 51/2023/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2024 - 2026.

Cụ thể, việc xây dựng dự toán chi NSNN năm 2024 phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

- Đúng quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công và quy định của pháp luật khác có liên quan; đúng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ĐTPT, chi thường xuyên NSNN;

Đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách, chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động khu vực sự nghiệp công lập theo các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị.

Đảm bảo nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với lộ trình tinh giảm biên chế theo các Nghị quyết của Trung ương.

- Quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hành tiết kiệm chống lãng phí theo Nghị quyết 74/2022/QH15 ngay từ khâu xác định nhiệm vụ, đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ thống nhất từ khâu lập dự toán đến triển khai phân bổ, quản lý, sử dụng NSNN.

- Sát khả năng thực hiện, hạn chế tối đa việc hủy dự toán và chuyển nguồn sang năm sau.
Trên cơ sở đánh giá thực hiện năm 2023, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương rà soát các nhiệm vụ trùng lắp; nhiệm vụ dở dang tiếp tục thực hiện năm 2024;

Sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ phát sinh mới đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện, dự toán NSNN thực hiện phù hợp với khả năng huy động, cân đối các nguồn lực (bao gồm cả nguồn hợp pháp khác theo quy định).

Thông tư 51/2023/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 31/8/2023 và áp dụng cho quá trình xây dựng dự toán NSNN năm 2024 và kế hoạch tài chính - NSNN năm 2024-2026.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

478 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;