Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 6/2024

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 6/2024
Nguyễn Thị Diễm My

Quy định chung về định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra rừng; Ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Lao động – Thương binh và Xã hội;...là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 6/2024 (từ ngày 21 - 30/6/2024).

1. Quy định chung về định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra rừng

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 05/2024/TT-BNNPTNT ngày 19/4/2024 quy định định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra rừng.

Theo đó, quy định chung về định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra rừng như sau:

- Căn cứ vào điều kiện cụ thể từng nơi và biện pháp kỹ thuật, áp dụng hệ số điều chỉnh (K) để tính toán mức hao phí lao động cần thiết cho từng hạng mục công việc khi lập đề cương, dự toán.

- Việc áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật tuân thủ yêu cầu được quy định trong tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

- Chi phí và hệ số được áp dụng trong điều tra rừng:

+ Hệ số lương cấp bậc theo quy định; phụ cấp lưu động; phụ cấp nghề độc hại, nguy hiểm; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo hiểm thất nghiệp; đoàn phí công đoàn;

+ Hệ số khó khăn là hệ số dùng để điều chỉnh mức lao động thực địa khi người lao động thực hiện công việc tại hiện trường có mức độ khó khăn khác nhau;

+ Mức lao động kỹ thuật ngừng nghỉ việc do thời tiết của lao động kỹ thuật thực địa.

- Chi phí máy móc, thiết bị điều tra rừng không quá 5% chi phí công lao động.

- Chi phí vật tư dụng cụ, điện nước, thông tin liên lạc không quá 5% chi phí công lao động.

- Định mức kinh tế - kỹ thuật của các loại điều tra rừng tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BNNPTNT.

Xem chi tiết tại Thông tư 05/2024/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 22/6/2024.

2. Ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Lao động – Thương binh và Xã hội

Ngày 06/5/2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 04/2024/TT-BLĐTBXH quy định về hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Lao động – Thương binh và Xã hội.

Theo đó, hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Lao động – Thương binh và Xã hội gồm tập hợp những chỉ tiêu thống kê phản ánh kết quả chủ yếu của hoạt động quản lý nhà nước ngành Lao động – Thương binh và Xã hội nhằm phục vụ việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước và của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội trong từng thời kỳ; đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng thông tin của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội.

Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Lao động – Thương binh và Xã hội bao gồm: Danh mục Hệ thống chỉ tiêu thống kê và Nội dung chỉ tiêu thống kê quy định chi tiết tại Phụ lục I và Phụ lục II kèm theo Thông tư 04/2024/TT-BLĐTBXH.

Xem chi tiết tại Thông tư 04/2024/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 21/6/2024.

3. Tiêu chí về trình độ đào tạo của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp dạy trình độ cao đẳng

Ngày 10/5/2024, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 05/2024/TT-BLĐTBXH quy định chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, tiêu chí về trình độ đào tạo của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp dạy trình độ cao đẳng như sau:

- Trình độ đào tạo của nhà giáo dạy trình độ cao đẳng thực hiện theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 54 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014.

- Chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy thực hành trình độ cao đẳng được quy định như sau:

+ Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ sĩ ưu tú, Thầy thuốc ưu tú, Nhà giáo ưu tú trở lên;

+ Bằng bác sĩ chuyên khoa cấp I trở lên; Bằng kỹ sư;

+ Bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương trở lên đối với một số ngành, nhóm ngành sau: Nghệ thuật (trừ các ngành: Lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật; Lý luận, lịch sử và phê bình sân khấu; Lý luận, lịch sử và phê bình điện ảnh, truyền hình; Lý luận, lịch sử và phê bình múa); Thể dục, thể thao (trừ ngành Quản lý thể dục thể thao); Máy tính và công nghệ thông tin; Kế toán; Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống; Đào tạo giáo viên (các ngành Sư phạm Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn Quốc; Giáo dục thể chất; Huấn luyện thể thao); Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài;

+ Bằng tốt nghiệp cao đẳng, cao đẳng nghề; Chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề trình độ cao đẳng nghề; Chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề theo quy định của pháp luật; Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền viên theo quy định của Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp giấy chứng nhận và trực ca đối với thuyền viên (Công ước STCW);

+ Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 3; Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc tại các kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia; Chứng nhận bậc thợ 5/7 hoặc 4/6 trở lên;

+  Chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 4 Khung trình độ quốc gia (Niveau 4 DQR) của Cộng hòa Liên bang Đức; Chứng chỉ kỹ năng nghề trình độ cao đẳng, cao đẳng nâng cao (Diploma, Advanced Diploma) của Úc; Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 3 (Level 3 as prescribed in the National Occupational Skill Standard) trở lên của Malaysia;

+ Chứng nhận giải thưởng quốc gia, khu vực, quốc tế; Chứng nhận huấn luyện học sinh, sinh viên đoạt giải thưởng quốc gia, khu vực, quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp;

+ Văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, danh hiệu khác theo quy định của pháp luật.

Xem chi tiết tại Thông tư 05/2024/TT-BLĐTBXH có hiệu lực thi hành từ ngày 25/6/2024.

4. Quy hoạch băng tần 880-915 MHz và 925-960 MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng IMT của Việt Nam

Ngày 10/5/2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 04/2024/TT-BTTTT Quy hoạch băng tần 880-915 MHz, 925-960 MHz cho hệ thống IMT của Việt Nam.

Cụ thể, nội dung quy hoạch băng tần 880-915 MHz và 925-960 MHz đến hết ngày 15/9/2026 như sau:

- Băng tần 880-915 MHz và 925-960 MHz được sử dụng để triển khai hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng theo tiêu chuẩn IMT-2000, IMT-Advanced, IMT-2020 và các phiên bản tiếp theo theo phương thức truyền dẫn song công phân chia theo tần số (sau đây gọi là phương thức FDD);

- Băng tần 880-915 MHz được sử dụng làm băng tần đường lên, phân chia thành 04 khối B1, B2, B3 và B4 có độ rộng tương ứng là 10 MHz, 8,4 MHz, 8,2 MHz và 8,2 MHz;

- Băng tần 925-960 MHz được sử dụng làm băng tần đường xuống, phân chia thành 04 khối B1’, B2’, B3’ và B4’ có độ rộng tương ứng là 10 MHz, 8,4 MHz, 8,2 MHz và 8,2 MHz;

- Giới hạn tối đa tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được cấp phép sử dụng trong băng tần 880-915 MHz và 925-960 MHz là 2x10 MHz theo phương thức FDD;

- Các tổ chức được cấp giấy phép sử dụng băng tần trong băng tần 880-915 MHz và 925-960 MHz có trách nhiệm phối hợp với nhau để phòng tránh và xử lý nhiễu có hại;

- Để không gây nhiễu có hại cho hệ thống vô tuyến điện khác được phép hoạt động tại một số khu vực trong băng tần 880-915 MHz và 925-960 MHz, tổ chức được cấp giấy phép sử dụng băng tần trong băng tần này phải thực hiện các giải pháp kỹ thuật để xử lý nhiễu có hại theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Tần số vô tuyến điện).

Xem chi tiết tại Thông tư 04/2024/TT-BTTTT có hiệu lực từ ngày 24/6/2024.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

2186 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;