Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 12/2023

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 12/2023
Trần Thanh Rin

Chính thức thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 01/7/2024; 11 hành vi bạo lực gia đình áp dụng đối với người chung sống như vợ chồng;... là những là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 12/2023 (từ ngày 21 – 31/12/2023).

1. Chính thức thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 01/7/2024

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung đề cập về việc thực hiện chính sách tiền lương.

Cụ thể, từ ngày 01/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước); điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước ở Trung ương đang thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù:

- Từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024: Mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 12/2023 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc năm 2024).

Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm năm 2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì chỉ thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

- Từ ngày 01/7/2024: Bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước; áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất. Không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn,...) của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước.

Giao Chính phủ tổ chức thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Xem thêm tại Nghị quyết 104/2023/QH15 được thông qua ngày 10/11/2023.

2. 11 hành vi bạo lực gia đình áp dụng đối với người chung sống như vợ chồng

Ngày 01/11/2023,Chính phủ ban hành Nghị định 76/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022.

Theo đó, các hành vi được xem là hành vi bạo lực gia đình áp dụng đối với người chung sống như vợ chồng bao gồm:

(1) Hành vi quy định tại các điểm a, b, c, k và m khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022.

(2) Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn.

(3) Cô lập, giam cầm.

(4) Cưỡng ép ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.

(5) Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực.

(6) Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

(7) Ngăn cản gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý.

(8) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau.

(9) Bỏ mặc, không quan tâm.

(10) Cưỡng ép, cản trở kết hôn.

(11) Cưỡng ép học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần.

Nghị định 76/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/12/2023.

3. Quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi tiền vay tín dụng đầu tư của Nhà nước từ ngày 22/12/2023

Đây là nội dung được đề cập tại Nghị định 78/2023/NĐ-CP ngày 07/11/2023 sửa đổi Nghị định 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước do Chính phủ ban hành.

Theo đó, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi tiền vay tín dụng đầu tư của Nhà nước từ ngày 22/12/2023 sẽ được thực hiện như sau:

(1) Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng và kết quả đánh giá của Ngân hàng Phát triển Việt Nam về khả năng trả nợ của khách hàng, cụ thể như sau:

- Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay và được Ngân hàng Phát triển Việt Nam đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo kỳ hạn trả nợ được điều chỉnh, thì Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng; thời hạn cho vay không thay đổi;

- Khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận và được Ngân hàng Phát triển Việt Nam đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay thì Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng.

(2) Căn cứ tình hình tài chính của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và khả năng trả nợ của khách hàng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định việc miễn, giảm lãi tiền vay của khách hàng.

(3) Ngân hàng Phát triển Việt Nam hướng dẫn về hồ sơ, trình tự, thủ tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi tiền vay theo quy định tại (1) và (2).

Xem thêm nội dung tại Nghị định 78/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 22/12/2023.

4. 04 điều kiện tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công và lễ khánh thành công trình sử dụng NSNN

Thủ tướng ban hành Quyết định 27/2023/QĐ-TTg ngày 08/11/2023 quy định về tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công và lễ khánh thành công trình.

Theo đó, để tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công và lễ khánh thành công trình sử dụng ngân sách nhà nước thì cần phải đáp ứng các điều kiện như sau:

- Lễ động thổ công trình được thực hiện khi: Chủ đầu tư hoặc cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án (sau đây gọi tắt là chủ đầu tư) được cơ quan có thẩm quyền bàn giao mặt bằng hoặc bàn giao mặt bằng theo từng giai đoạn và dự án đã được phê duyệt theo đúng thẩm quyền và quy định.

- Lễ khởi công công trình được tiến hành khi đáp ứng yêu cầu về điều kiện khởi công theo quy định tại khoản 1 Điều 107 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 39 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020.

- Lễ khánh thành được thực hiện sau khi công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu, đáp ứng yêu cầu theo quy định.

- Dự án được tổ chức một lần lễ động thổ hoặc lễ khởi công và một lần lễ khánh thành công trình.

Quyết định 27/2023/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2023.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

559 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;