Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 10/2024

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 10/2024
Dương Châu Thanh

Quy định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước; Thêm đối tượng được mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước; Các chức danh và mã số chức danh nghề nghiệp chuyên ngành kế toán;… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 10/2024 (từ ngày 21/10 - 31/10/2024).

Quy định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước

Nghị định 114/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 151/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, có hiệu lực từ ngày 30/10/2024.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước như sau:

(1) Thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp phải lập thành dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật khác có liên quan.

(2) Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp không thuộc phạm vi quy định tại khoản (1) được thực hiện như sau:

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương quy định thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương.

(Trong khi Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương)

- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

(3) Căn cứ phạm vi dự toán ngân sách được giao và nguồn kinh phí được phép sử dụng, cơ quan nhà nước tổ chức thực hiện mua sắm tài sản theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Việc tổ chức, thực hiện mua sắm tài sản theo phương thức tập trung được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và quy định tại Chương VI Nghị định 151/2017/NĐ-CP.

(4) Việc mua sắm tài sản quy định nêu trên không bao gồm mua sắm dịch vụ phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước. Việc mua sắm dịch vụ phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Thêm đối tượng được mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước

Thông tư 44/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 23/10/2024, trong đó đã bổ sung thêm đối tượng tham gia mua bán tín phiếu Ngân hàng Nhà nước.

Thông tư 44/2024/TT-NHNN sửa đổi khoản 2 Điều 2 Thông tư 16/2019/TT-NHNN quy định về phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước.

Đây là nội dung liên quan đến đối tượng áp dụng của Thông tư 16/2019/TT-NHNN. Đó là, Ngân hàng Nhà nước; ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính chuyên ngành, ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng chính sách (sau đây gọi là tổ chức tín dụng); Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam.

Như vậy, Thông tư 44/2024/TT-NHNN bổ sung thêm đối tượng công ty tài chính được mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước.

Các chức danh và mã số chức danh nghề nghiệp chuyên ngành kế toán

Nội dung được quy định tại Thông tư 66/2024/TT-BTC quy định chức danh, mã số, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành kế toán và xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ kế toán viên lên kế toán viên chính trong đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực từ ngày 21/10/2024.

Theo đó, chức danh và mã số chức danh nghề nghiệp chuyên ngành kế toán bao gồm:

- Kế toán viên chính (hạng II)

Mã số: V. 06.030

- Kế toán viên (hạng III)

Mã số: V. 06.031

- Kế toán viên trung cấp (hạng IV)

Mã số: V. 06.032

Những phương pháp sơ chế dược liệu, vị thuốc cổ truyền

Từ ngày 28/10/2024, Thông tư 14/2024/TT-BYT hướng dẫn phương pháp chế biến dược liệu và vị thuốc cổ truyền bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Thông tư 14/2024/TT-BYT hướng dẫn phương pháp chế biến dược liệu và vị thuốc cổ truyền tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y dược cổ truyền; cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu.

Theo đó, những phương pháp sơ chế dược liệu, vị thuốc cổ truyền theo Phụ lục I của Thông tư 14/2024/TT-BYT bao gồm:

(i) Phương pháp loại tạp

(ii) Phương pháp rửa

(iii) Phương pháp ngâm

(iv) Phương pháp ủ

(v) Phương pháp thái phiến, cắt đoạn

(vi) Phương pháp phơi

(vii) Phương pháp sấy

Xem chi tiết nội dung tại Thông tư 14/2024/TT-BYT.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;