Quy định đối tượng được cấp tài khoản định danh điện tử, bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với viên chức lưu trữ,… là một trong các chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 10/2022 (từ 11/10/2022 - 20/10/2022).
1. Đối tượng được cấp tài khoản định danh điện tử
Đây là nội dung tại Nghị định 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử, có hiệu lực từ ngày 20/10/2022.
Cụ thể, Điều 11 Nghị định 59/2022/NĐ-CP quy định đối tượng được cấp tài khoản định danh điện tử bao gồm:
- Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên; đối với công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
- Người nước ngoài từ đủ 14 tuổi trở lên nhập cảnh vào Việt Nam; đối với người nước ngoài là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
- Cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
Trong đó, tài khoản định danh điện tử được chia thành 2 mức độ:
- Tài khoản định danh điện tử mức độ 1 của công dân Việt Nam gồm những thông tin quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định 59/2022/NĐ-CP.
Tài khoản định danh điện tử mức độ 1 của người nước ngoài gồm những thông tin quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định 59/2022/NĐ-CP.
- Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của cá nhân gồm những thông thì quy định tại Điều 7 hoặc Điều 8 Nghị định 59/2022/NĐ-CP.
- Tài khoản định danh điện tử của tổ chức gồm những thông tin quy định tại Điều 9 Nghị định 59/2022/NĐ-CP là tài khoản định danh điện tử mức độ 2.
2. Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với viên chức lưu trữ
Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 07/2022/TT-BNV ngày 31/8/2022 quy định chức danh, mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, thi hoặc xét thăng hạng, bổ nhiệm và xếp lương viên chức chuyên ngành lưu trữ.
Theo đó, chỉ yêu cầu viên chức Lưu trữ viên chính (Mã số: V.01.02.01) và viên chức Lưu trữ viên (Mã số: V.01.02.02) phải có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, quản trị cơ sở dữ liệu, sử dụng ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc đối với viên chức công tác tại vùng dân tộc thiểu số) theo yêu cầu của vị trí việc làm.
(Hiện hành, Thông tư 13/2014/TT-BNV yêu cầu viên chức lưu trữ viên chính phải đáp ứng:
- Có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ bậc 3 (hoặc tương đương) khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT;
- Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT.
Đối với viên chức lưu trữ viên phải đáp ứng tiêu chuẩn:
- Có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ bậc 2 (hoặc tương đương) khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT;
- Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT.)
Thông tư 07/2022/TT-BNV có hiệu lực từ 15/10/2022, thay thế Thông tư 13/2014/TT-BNV ngày 31/10/2014 và Thông tư 08/2015/TT-BNV ngày 28/12/2015.
3. 08 hình thức triển khai tư vấn nghề nghiệp cho sinh viên, học sinh trường nghề
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 14/2022/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực từ ngày 15/10/2022) quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trong đó, quy định 08 hình thức triển khai công tác tư vấn nghề nghiệp, bao gồm:
- Tổ chức chương trình, hành trình, ngày hội tư vấn nghề nghiệp, hướng nghiệp cho người học.
- Tổ chức hội thảo, hội nghị, diễn đàn, tọa đàm tư vấn nghề nghiệp, hướng nghiệp.
- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho người học thông qua các hoạt động câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm về ngành nghề; các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, giao lưu tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đơn vị sử dụng lao động.
- Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp và tư vấn nghề nghiệp thông qua các tiết học, chương trình hướng nghiệp.
- Tổ chức thông tin, tư vấn nghề nghiệp cho người học thông qua video clip, hình ảnh; qua tài liệu, ấn phẩm và các phương tiện truyền thông.
- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn nghề nghiệp giáo dục nghề nghiệp.
- Phối hợp với tổ chức Đoàn, Hội trong việc triển khai các hoạt động tư vấn nghề nghiệp cho đoàn viên, thanh niên, học sinh.
- Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
4. Bổ sung trường hợp hồ sơ đăng ký thuốc được thẩm định nhanh
Đây là nội dung tại Thông tư 08/2022/TT-BYT ngày 05/9/2022 quy định về đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
Cụ thể, hồ sơ đăng ký thuốc được thẩm định theo quy trình thẩm định nhanh khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
- Thuốc thuộc Danh mục thuốc hiếm;
- Thuốc đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh, dịch bệnh, thiên tai, thảm họa.
- Thuốc trong nước sản xuất trên dây chuyền mới đạt tiêu chuẩn GMP hoặc trên dây chuyền nâng cấp đạt tiêu chuẩn GMP-EU, GMP-PIC/S và tương đương trong thời hạn không quá 18 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận GMP.
- Vắc xin được WHO tiền đánh giá đạt yêu cầu, vắc xin tiêm chủng mở rộng quốc gia.
- Thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc có dạng bào chế đặc biệt có không quá 02 thuốc tương tự đăng ký lưu hành thuốc tại thời điểm nộp hồ sơ, bao gồm:
+ Thuốc điều trị ung thư;
+ Thuốc điều trị kháng vi rút thế hệ mới;
+ Kháng sinh thế hệ mới;
+ Thuốc dùng trong điều trị sốt xuất huyết, lao, sốt rét;
+ Thuốc ức chế miễn dịch dùng trong ghép tạng. (Quy định mới bổ sung)
-Thuốc mới (điều trị ung thư, kháng vi rút, kháng sinh thế hệ mới), sinh phẩm.
- Biệt dược gốc được sản xuất gia công hoặc chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam.
- Thuốc thay đổi cơ sở sản xuất dẫn đến phải cấp lại giấy đăng ký lưu hành mới theo điểm b khoản 2 Điều 55 Luật Dược. (Quy định mới bổ sung)
Thông tư 08/2022/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 20/10/2022 và thay thế Thông tư 32/2018/TT-BYT.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |