Bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam; 10 hành vi Thừa phát lại không được làm trong quan hệ với người yêu cầu,..là một trong những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 12/2022 (từ ngày 21 - 31/12/2022).
1. Bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam
Quốc hội thông qua Nghị quyết 76/2022/QH15 ngày 15/11/2022 về Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Quốc hội đồng ý bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam.
Đồng thời, giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan thực hiện:
- Sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để triển khai thực hiện;
- Khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi khoản 3 Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Ngoài ra, tại Nghị quyết 76/2022/QH15 thì Quốc hội còn thông qua, áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức, viên chức:
- 05 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách;
- 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên.
Các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Nghị quyết 76/2022/QH15 có hiệu lực từ ngày 30/12/2022.
2. Tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng
Đây là nội dung tại Nghị quyết 69/2022/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 11/11/2022.
Cụ thể, từ ngày 01/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, còn tăng một số mức phụ cấp như sau:
- Tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp;
- Tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
- Từ ngày 01/01/2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.
Nghị quyết 69/2022/QH15 có hiệu lực từ ngày 26/12/2022.
3. 10 hành vi Thừa phát lại không được làm trong quan hệ với người yêu cầu
Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 08/2022/TT-BTP ngày 01/11/2022 về Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại.
Theo đó, những hành vi Thừa phát lại không được làm trong quan hệ với người yêu cầu bao gồm:
- Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người yêu cầu.
- Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người yêu cầu ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng.
- Nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích nào khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện yêu cầu.
- Nhận thực hiện yêu cầu trong trường hợp mục đích và nội dung của yêu cầu vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, không đúng nhiệm vụ, quyền hạn của Thừa phát lại.
- Lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án có liên quan đến quyền, lợi ích của chính mình với người yêu cầu, những người thân thích của mình, bao gồm:
Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.
- Tư vấn, xúi giục, thông đồng, tạo điều kiện cho người yêu cầu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
- Gây áp lực, ép buộc, lừa dối, đe dọa, chiết khấu hoặc đưa ra hứa hẹn nhằm lôi kéo người yêu cầu phải sử dụng dịch vụ.
- Câu kết, thông đồng với người yêu cầu, những người có liên quan làm sai lệch nội dung của vi bằng, hồ sơ công việc đã thực hiện hoặc hành vi gian dối khác.
- Cố ý thi hành trái nội dung bản án, quyết định; trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giải quyết việc thi hành án được giao không có căn cứ pháp luật.
- Các công việc bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
Thông tư 08/2022/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 22/12/2022.
4. Biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực cửa khẩu đường hàng không
Đâu là nội dung được Chính phủ ban hành tại Nghị định 93/2022/NĐ-CP ngày 07/11/2022 về quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không.
Cụ thể, biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực cửa khẩu đường hàng không được quy định như sau:
- Biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực cửa khẩu đường hàng không:
+ Tuần tra, kiểm soát, phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật;
+ Giám sát hoạt động của người, phương tiện tại khu vực cửa khẩu đường hàng không bằng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật;
+ Các biện pháp khác theo quy định của Luật Công an nhân dân, Luật An ninh quốc gia và pháp luật khác có liên quan.
- Biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực cách ly xuất nhập cảnh:
+ Kiểm soát người vào, ra khu vực cách ly xuất nhập cảnh;
+ Tuần tra, kiểm soát, phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật tại khu vực cách ly xuất nhập cảnh;
+ Giám sát hoạt động của người, phương tiện tại khu vực cách ly xuất nhập cảnh bằng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật;
+ Các biện pháp khác theo quy định của Luật Công an nhân dân, Luật An ninh quốc gia và pháp luật khác có liên quan.
- Thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực cửa khẩu đường hàng không và khu vực cách ly xuất nhập cảnh:
+ Công an cửa khẩu chủ trì thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự theo quy định của Luật Công an nhân dân, Luật An ninh quốc gia;
+ Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không thực hiện các biện pháp tuần tra, giám sát hoạt động của người, phương tiện theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam;
+ Lực lượng Hải quan thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với phương tiện vận tải và hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh theo quy định của Luật Hải quan;
+ Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác phối hợp thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và các cơ quan, tổ chức liên quan công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực cửa khẩu đường hàng không được lắp đặt trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật để phục vụ yêu cầu công tác và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
- Cán bộ chiến sĩ Công an cửa khẩu thực hiện nhiệm vụ tại khu vực cửa khẩu và khu vực cách ly xuất nhập cảnh phải đeo số hiệu Công an cửa khẩu theo quy định của Bộ Công an.
Nghị định 93/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 22/12/2022.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |