Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Theo đó, từ 20/12/2020, Thư ký Tòa án chính thức không còn phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm.
- Nghị định 130/2020/NĐ-CP: Các đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm
- Công chức phải kê khai đồ thờ cúng có giá trị từ 50 triệu trở lên
Từ 20/12/2020, Thư ký Tòa án chính thức không còn phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm (Ảnh minh họa)
Tại Điều 3 Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định kê khai tài sản là việc ghi rõ ràng, đầy đủ, chính xác các loại tài sản, thu nhập, biến động tài sản, thu nhập phải kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo Mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập. Việc kê khai tài sản, thu nhập này giúp Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập biết rõ về tài sản, thu nhập, biến động tài sản, thu nhập, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai nhằm phòng ngừa tham nhũng, phục vụ công tác cán bộ, kịp thời phát hiện tham nhũng, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng.
Theo đó, tại Điều 10 Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định người làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 36 của Luật Phòng, chống tham nhũng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập bao gồm:
1. Các ngạch công chức và chức danh sau đây: chấp hành viên, điều tra viên, kế toán viên, kiểm lâm viên, kiểm sát viên, kiểm soát viên ngân hàng, kiểm soát viên thị trường, kiểm toán viên, kiểm tra viên của Đảng, kiểm tra viên hải quan, kiểm tra viên thuế, thanh tra viên, thẩm phán.
2. Những người giữ chức vục lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP.
3. Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trong khi đó, tại khoản 8 Điều 7 Nghị định 78/2013/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập quy định người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập bao gồm: điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm tra viên, thẩm phán, thư ký tòa án, kiểm toán viên nhà nước, thanh tra viên, chấp hành viên, công chứng viên nhà nước.
Như vậy, từ ngày 20/12/2020, khi Nghị định 130/2020/NĐ-CP có hiệu lực thì Thư ký Tòa án chính thức không còn thuộc đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm. Ngoài ra, quy định này còn bổ sung môt số đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm gồm: kiểm lâm viên; kiểm soát viên ngân hàng; kiểm soát viên thị trường; kiểm tra viên của Đảng; kiểm tra viên hải quan; kiểm tra viên thuế.
Bên cạnh đó, tại Điều 20 Nghị định 130/2020/NĐ-CP còn quy định người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo Điều 51 Luật Phòng, chống tham nhũng. Cụ thể, người này sẽ bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức: cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.
Trong khi đó, tại Nghị định 78/2013/NĐ-CP quy định người có nghĩa vụ kê khai trong trường hợp này bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm.
Như vậy, Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định hình thức xử lý kỷ luật đối với người kê khai tài sản, thu nhập hằng năm không trung thực thấp nhất là cảnh cáo và cao nhất là buộc thôi việc trong khi Nghị định 78/2013/NĐ-CP quy định hình thức thấp nhất là khiển trách và cao nhất là bãi nhiệm. Có thể thấy, quy định mới này mang tính nghiêm khắc và răn đe cao hơn đối với hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực này, đồng thời cũng bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Lê Vy
- Từ khóa:
- Nghị định 130/2020/NĐ-CP