Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức dự kiến có hiệu lực thi hành từ 01/7/2020. Đáng chú ý tại Dự thảo này là nội dung quy định về nội dung, hình thức và thời gian thi thăng hạng viên chức.
- Thời gian tập sự của giáo viên, giảng viên theo quy định mới là bao lâu?
- Tiêu chuẩn, điều kiện dự thi hoặc xét thăng hạng viên chức 2020
Những điều cần phải biết khi dự thi thăng hạng viên chức từ 01/7/2020 - Ảnh minh họa
Cụ thể, theo Dự thảo này, việc thi thăng hạng viên chức được thực hiện như sau:
1. Bài thi kiến thức chung
- Nội dung thi: Kiến thức chung về pháp luật viên chức; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những hiểu biết cơ bản về ngành, lĩnh vực; chức trách, nhiệm vụ của viên chức theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi.
- Hình thức thi: Thi viết hoặc thi trắc nghiệm.
Căn cứ vào tính chất, đặc điểm và yêu cầu của vị trí dự tuyển, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi thăng hạng viên chức quyết định hình thức thi viết hoặc trắc nghiệm.
- Thang điểm: Thi viết hoặc trắc nghiệm chấm theo thang điểm 100.
- Thời gian thi: Thi trắc nghiệm 60 phút, thi viết 180 phút.
2. Bài thi ngoại ngữ
- Nội dung thi: Thi một trong năm thức tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc hoặc ngoại ngữ khác theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi thăng hạng viên chức quyết định.
- Hình thức thi: Thi trắc nghiệm.
- Thang điểm: Chấm theo thang điểm 100.
- Thời gian thi: 45 phút.
3. Bài thi môn tin học
- Nội dung thi: Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức quyết định.
- Hình thức thi: Thi trắc nghiệm.
- Thang điểm: Chấm theo thang điểm 100.
- Thời giant hi: 45 phút.
4. Bài thi môn nghiệp vụ chuyên ngành
Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành quy định cụ thể nội dung, hình thức thi căn cứ vào tính chất, đặc điểm hoạt động chuyên ngành và yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi.
5. Việc tổ chức Thi trắc nghiệm đối với môn ngoại ngữ, tin học và môn kiến thức chung (trường hợp người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi thăng hạng viên chức quyết định hình thức thi trắc nghiệm) được thực hiện bằng hình thức thi trên máy vi tính. Trường hợp cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi thăng hạng không có điều kiện tổ chức thi trên máy vi tính thì thi trắc nghiệm trên giấy.
Trường hợp tổ chức thi trên máy vi tính thì nội dung thi trắc nghiệm không có phần thi tin học. Không tổ chức phúc khảo đối với các bài thi trắc nghiệm trên máy vi tính.
6. Miễn phần thi ngoại ngữ
Trong các trường hợp sau đây, viên chức sẽ được miễn phần thi ngoại ngữ khi dự thi thăng hạng:
- Viên chức có tuổi đời từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nam và 50 tuổi trở lên đối với nữ tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ dự thi thăng hạng;
- Viên chức đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số là người dân tộc thiểu số hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số được cơ sở đào tạo cấp theo thẩm quyền;
- Viên chức có bằng tốt nghiệp là bằng ngoại ngữ cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quy định trong tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp dự thi;
- Viên chức có bằng tốt nghiệp theo yêu cầu trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quy định trong tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp dự thi học tập ở nước ngoài hoặc học bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam (văn bằng đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận theo quy định hiện hành).
7. Miễn phần thi tin học
Đối với các trường hợp có bằng tốt nghiệp từ trung cấp trở lên các chuyên ngành đào tạo đáp ứng các yêu cầu của chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin thì viên chức sẽ được miễn phần thi tin học.
Có thể thấy, so với quy định hiện hành tại Nghị định 29/2012/NĐ-CP và Nghị định 161/2018/NĐ-CP, Dự thảo đã bổ sung quy định chi tiết về nội dung, hình thức và thời gian thi thăng hạng viên chức. Hiện nay, cả Nghị định 29/2012/NĐ-CP, Nghị định 161/2018/NĐ-CP, Thông tư 12/2012/TT-BNV và Thông tư 03/2019/TT-BNV đều không có những quy định cụ thể này mà chỉ quy định chung chung về việc tổ chức thi hoặc xét thăng hạng viên chức.
Xem chi tiết các nội dung của Dự thảo Nghị định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức TẠI ĐÂY.
Nguyễn Trinh