Đây là nội dung mới được quy định tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 đã được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2019 và sẽ có hiệu lực từ 01/7/2020.
Ảnh minh họa
Cụ thể, Điều 39 Luật Cán bộ, công chức 2008 chỉ quy định về cơ quan thực hiện tuyển dụng mà không có quy định nào về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Thay vào đó, tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 quy định trước khi cơ quan có thẩm quyền lựa chọn, tuyển dụng công chức phải thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức như sau: “Thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 37 của Luật này. Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả.”
Tại buổi Hội thảo “Góp ý Đề án thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức”, Đồng chí Nguyễn Trọng Thừa – Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã phát biểu “Ở nước ta trong những năm qua, hoạt động tuyển dụng công chức đã có nhiều đổi mới, tuy nhiên vẫn còn những bất cập và cần phải thống nhất trong hoạt động tuyển chọn cán bộ để bảo đảm chất lượng đầu vào cán bộ, công chức. Nội dung thi tuyển công chức mặc dù đã tương đối toàn diện nhưng chưa kiểm tra được kỹ năng mềm của người dự tuyển. Hơn nữa, quá trình tuyển dụng chưa thực sự là quá trình đánh giá năng lực với những thước đo hiệu quả để tuyển đúng ứng viên cho vị trí công chức cần tuyển…”
Theo đó, sắp tới Chính phủ sẽ ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Việc tuyển dụng công chức không chỉ còn dựa vào kết quả thi, hay hồ sơ xét tuyển của người dự tuyển nữa mà còn phải dựa vào các kỹ năng mềm, năng lực thực sự của người dự tuyển.
Lê Hải