Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2019 và sẽ có hiệu lực từ 01/7/2020.
Ảnh minh họa
Cụ thể, theo Khoản 17 Điều 1 Luật này sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Khoản 3 Điều 82 Luật cán bộ, công chức 2008, cán bộ, công chức bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.
Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức giáng chức hoặc cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.
Có thể thấy, Luật sửa đổi đã việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức thành 2 mức độ để xem xét có được bổ nhiệm lại hay không, theo đó, nếu bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương thì không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng nhưng vẫn có thể được bổ nhiệm lại hoặc bố trí chức vụ thấp hơn, nếu bị kỷ luật giáng chức hoặc cách chức thì sẽ không được bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng.
Hết thời hạn nêu trên, nếu cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.
Quy định hiện hành tại Luật cán bộ, công chức 2008 quy định cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì đương nhiên không được bổ nhiệm, kể cả bổ nhiệm lại.
Ngoài ra, Luật sửa đổi cũng quy định cán bộ, công chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thôi việc, tức vẫn được xem xét giải quyết nghỉ hưu. (theo quy định hiện hành thì những người này sẽ không được giải quyết nghỉ hưu).
Nguyễn Trinh