Cán bộ, công chức, viên chức khi đáp ứng đủ điều kiện về thời gian giữ bậc và tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên sẽ được nâng lương định kỳ theo quy định. Vậy, trường hợp nào CBCCVC sẽ bị chậm tăng lương?
- Không tăng lương cơ sở 2021, cán bộ, công chức, viên chức vẫn được nâng lương
- Nâng lương trước thời hạn đối với CBCCVC: Những nội dung cần lưu ý
Trường hợp nào cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị chậm tăng lương? (Ảnh minh họa)
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV, cán bộ, công chức, viên chức được nâng lương định kỳ (nâng 01 bậc lương) nếu đáp ứng các điều kiện sau:
- Đủ điều kiện về thời gian giữ bậc để xét nâng bậc lương thường xuyên:
-
Đối với chức danh chuyên gia cao cấp: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong bảng lương chuyên gia cao cấp, thì sau 5 năm (đủ 60 tháng) giữ bậc lương trong bảng lương chuyên gia cao cấp được xét nâng một bậc lương;
-
Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương;
-
Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống và nhân viên thừa hành, phục vụ: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.
- Đáp ứng tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên:
-
Đối với cán bộ, công chức: Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực trở lên và không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.
-
Đối với viên chức: Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên và không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức.
Như vậy, theo quy định trên, để được nâng bậc lương thường xuyên cán bộ, công chức, viên chức phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên. Tuy nhiên, trong thời gian giữ bậc lương hiện giữ, nếu cán bộ, công chức, viên chức đã có thông báo hoặc quyết định bằng văn bản của cấp có thẩm quyền là không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm hoặc bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức thì sẽ bị kéo dài thời gian tính nâng bậc lương thường xuyên so với thời gian quy định như sau:
Thứ nhất: Kéo dài 12 tháng (một năm) đối với các trường hợp:
-
Cán bộ bị kỷ luật cách chức;
-
Công chức bị kỷ luật giáng chức hoặc cách chức;
-
Viên chức bị kỷ luật cách chức.
Thứ hai: Kéo dài 06 (sáu) tháng đối với các trường hợp:
-
Cán bộ, công chức bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo;
-
Viên chức bị kỷ luật cảnh cáo;
-
Cán bộ, công chức, viên không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm. (Lưu ý: trường hợp trong thời gian giữ bậc có 02 năm không liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao bị kéo dài 06 (sáu) tháng)
Thứ ba: Kéo dài 03 (ba) tháng đối với viên chức và người lao động bị kỷ luật khiển trách.
Thứ tư: Trường hợp vừa không hoàn thành nhiệm vụ được giao vừa bị kỷ luật thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên là tổng các thời gian bị kéo dài đã nêu trên.
Đặc biệt, cần lưu ý, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên bị kỷ luật Đảng thì thực hiện theo quy định tại Quy định 1102-QĐ/TW năm 2017. Việc kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên được căn cứ vào hình thức xử lý kỷ luật do cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động quyết định theo quy định của pháp luật.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của THƯ KÝ LUẬT về các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị chậm tăng lương. Hy vọng những tư vấn này có thể giúp Quý khách hàng và Thành viên hiểu rõ hơn về quy định nâng lương của cán bộ, công chức, viên chức.
>>> Mời Quý Khách hàng và Thành viên xem thêm: Nâng lương trước thời hạn đối với CBCCVC: Những nội dung cần lưu ý.
Ty Na