Tiêu chuẩn chức danh bác sĩ cao cấp

Xin cho hỏi để cá nhân đạt được chức danh bác sĩ cao cấp thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn như thế nào? - Hữu Thuận (Vĩnh Long)

Tiêu chuẩn chức danh bác sĩ cao cấp

Tiêu chuẩn chức danh bác sĩ cao cấp (Hình từ Internet)

1. Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp bác sĩ cao cấp

Các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp được quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BYT-BNV, cụ thể như sau:

- Tận tụy phục vụ sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

- Hiểu biết và thực hiện đúng quy tắc ứng xử của viên chức ngành y tế.

- Thực hành nghề nghiệp theo đúng quy chế, quy định, quy trình chuyên môn kỹ thuật và các quy định khác của pháp luật.

- Không ngừng học tập nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ.

- Tôn trọng quyền của người bệnh.

- Trung thực, khách quan, công bằng, trách nhiệm, đoàn kết, tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp trong thực hành nghề nghiệp.

2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của bác sĩ cao cấp

Về trình độ đào tạo và bồi dưỡng, bác sĩ cao cấp phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:

- Tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp II hoặc tiến sĩ nhóm ngành Y học (trừ ngành y học dự phòng); bác sĩ chuyên khoa cấp II hoặc tiến sĩ ngành Răng - Hàm - Mặt.

- Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ hoặc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (dùng cho các hạng chức danh bác sĩ)

(Khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BYT-BNV và được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Thông tư 03/2022/TT-BYT)

3. Tiêu chuẩn năng lực, chuyên môn nghiệp vụ của bác sĩ cao cấp

Về năng lực và chuyên môn nghiệp vụ, bác sĩ cao phải đáp ứng các tiêu chuẩn như sau:

- Hiểu biết quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; nắm được định hướng phát triển chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành trong nước và quốc tế;

- Có kiến thức và năng lực áp dụng phương pháp tiên tiến, kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh thuộc lĩnh vực chuyên khoa;

- Có năng lực đánh giá các quy trình, kỹ thuật thuộc lĩnh vực chuyên môn và đề xuất giải pháp; đánh giá kết quả biện pháp can thiệp dựa vào bằng chứng;

- Có năng lực nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và đề xuất giải pháp hoặc tham gia xây dựng chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực;

- Chủ nhiệm hoặc thư ký hoặc người tham gia chính (50% thời gian trở lên) đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ hoặc tương đương trở lên hoặc chủ nhiệm 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở hoặc sáng chế hoặc phát minh khoa học chuyên ngành đã được nghiệm thu đạt;

- Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng từ chức danh bác sĩ chính (hạng II) lên chức danh bác sĩ cao cấp (hạng I) phải có thời gian giữ chức danh bác sĩ chính (hạng II) hoặc tương đương tối thiểu là 06 năm. Trường hợp có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh bác sĩ chính (hạng II) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

- Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.

(Khoản 3 Điều 4 Thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BYT-BNV, được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư 03/2022/TT-BYT)

4. Các nhiệm vụ của bác sĩ cao cấp

Cụ thể tại khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BYT-BNV, bác sĩ cao cấp phải đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ như sau:

- Khám bệnh, chữa bệnh:

+ Chủ trì tổ chức, thực hiện khám bệnh, chữa bệnh;

+ Chủ trì tổ chức xử trí cấp cứu, cấp cứu thuộc chuyên khoa, trường hợp do tuyến dưới chuyển đến;

+ Chủ trì hội chẩn chuyên môn thuộc lĩnh vực được giao;

+ Chủ trì giám sát, kiểm tra, đánh giá, cải tiến chất lượng khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi chuyên môn được giao;

+ Xây dựng hệ thống phát hiện và báo cáo sai sót chuyên môn kỹ thuật trong phạm vi chuyên môn được giao;

- Thông tin, truyền thông, giáo dục sức khỏe:

+ Chủ trì lập kế hoạch, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch tư vấn, truyền thông, giáo dục sức khỏe dựa vào mục tiêu và nhu cầu thực tế;

+ Biên soạn, chủ trì tổ chức biên soạn nội dung thông tin, truyền thông, giáo dục sức khỏe.

- Chủ trì thực hiện tư vấn cho người bệnh hoặc gia đình người bệnh lựa chọn dịch vụ y tế phù hợp;

- Chủ trì tổ chức giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần thuộc chuyên khoa hoặc lĩnh vực liên quan theo quy định của pháp luật;

- Chủ trì tổ chức thực hiện công tác chỉ đạo tuyến về chuyên môn kỹ thuật, triển khai phòng chống dịch và các bệnh xã hội khi được giao;

- Chịu trách nhiệm quản lý và hướng dẫn sử dụng thiết bị y tế phục vụ chẩn đoán, can thiệp điều trị, cấp cứu trong phạm vi chuyên môn được giao;

- Đào tạo và nghiên cứu khoa học về y học:

+ Chủ trì biên soạn tài liệu chuyên môn; xây dựng quy chế, quy trình kỹ thuật chuyên môn thuộc lĩnh vực được giao;

+ Tổ chức hoặc trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng và chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật đối với viên chức chuyên môn thuộc phạm vi được giao và học viên, sinh viên;

+ Tham gia hướng dẫn, đào tạo sau đại học hoặc nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật khi có yêu cầu;

+ Chủ trì hoặc tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học;

+ Nghiên cứu đề xuất hoặc tham gia xây dựng chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển về công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân của ngành, địa phương.

Thanh Rin

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1773 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;