Tiếp tục hoàn thiện Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015

Luật tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 và các chủ trương, định hướng của Đảng về chính quyền địa phương; đồng thời kế thừa những nội dung hợp lý và sửa đổi, bổ sung các bất cập, vướng mắc trong 12 năm thực hiện Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003.

Đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương; nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp, bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương là vấn đề bức thiết đối với Việt Nam . Quyền tự chủ đó trước hết phải được bảo đảm về mặt thể chế; nếu không có sự bảo đảm về mặt thể chế thì khả năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương sẽ rất hạn chế và khó bảo đảm thành công.

Vấn đề phân quyền, phân cấp, tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 chưa thể hiện được tinh thần của Hiến pháp 2013, chỉ quy định nguyên tắc như Hiến pháp 2013 mà chưa có một quy định cụ thể nào.

Hiến pháp 2013 đã quy định Chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND ở các đơn vị hành chính bảo đảm thi hành Hiến pháp, pháp luật; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự kiểm tra, giám sát của cấp trên; trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương; trong trường hợp cần thiết, chính quyền địa phương được giao thực hiện một số nhiệm vụ của cơ quan nhà nước cấp trên với các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, có thể thấy:

  • Chính quyền địa phương quyết định các vấn đề của địa phương (quyền tự quyết).
  • Được thực hiện các quyền của cấp trên (quyền của Trung ương đối với cấp tỉnh và của cấp trên với cấp huyện, xã) nếu có đủ điều kiện bảo đảm thực hiện.

Vấn đề quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương (tại một số loại đơn vị hành chính lãnh thổ) là quan điểm mới, quan trọng mà các đại hội Đảng gần đây khẳng định. "Tự chủ và tự chịu trách nhiệm" là phương thức tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị lãnh thổ cơ bản phổ biến trên thế giới. Nó là chế độ tự quản địa phương, biểu hiện cao nhất của quá trình phân cấp, phân quyền trung ương - địa phương. Mô hình này được xây dựng phù hợp, họat động độc lập, chủ động trên cơ sở của pháp luật mà không có sự can thiệp của cấp trên. Ở mô hình này nhân dân địa phương là chủ thể quan trọng nhất, thực hiện quyền lực của mình trực tiếp hoặc thông qua các cơ cấu chính quyền.

Luật tổ chức chính quyền 2015 chỉ quy định mang tính nguyên tắc tại các điều 11 (Phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương),12 (Phân quyền cho chính quyền địa phương),13 (Phân cấp cho chính quyền địa phương),14 (Ủy quyền cho cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương). Những nội dung cần đề cập tới đối với vấn đề về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm:

  • Quy định loại đơn vị lãnh thổ được phân quyền, ủy quyền, cấp nào chỉ được phân cấp; cấp nào, đơn vị nào được xác nhận tư cách pháp nhân riêng;
  • Quyền tự chủ về tài chính;
  • Thảm quyền riêng và mức độ đợc tham gia thẩm quyền chung của cả nước;
  • Xây dựng bộ máy chính quyền kiểu tự quản;
  • Cơ chế kiểm soát của trung ương và cấp trên đối với các đơn vị tự quản...

Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần phải quy định cụ thể được những nội dung trên thì vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở địa phương mới có thể thực hiện trên thực tế.

Nguồn: Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 - Những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện - PGT-TS Bùi Xuân Đức (Tạp chí khoa học pháp lý số 05/2016)

 

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1699 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;