Đây là nội dung đáng chú ý tại Quyết định 1916/QĐ-TTg ngày 29/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2018.
Theo đó, từ ngày 01/7/2018, điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng (tăng thêm 90.000đồng). Đồng thời, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và trợ cấp ưu đãi người có công cũng được điều chỉnh tăng cùng với mức tăng lương cơ sở.
Kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định và trợ cấp ưu đãi người có công sẽ do Ngân sách trung ương bảo đảm. Đối với một số địa phương ngân sách khó khăn không cân đối được nguồn, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm.
Theo nội dung Quyết định 1916, Thủ tướng chỉ đạo:
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương chủ động bố trí các nhiệm vụ chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, phấn đấu tăng các nguồn thu theo quy định để đảm bảo dành nguồn tự cân đối thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đến mức 1,3 triệu đồng/tháng từ ngày 01/01/2018 đến ngày 30/6/2018 và mức 1,39 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7/2018;
- Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn để cải cách tiền lương trong năm 2018 từ một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của các cơ quan, đơn vị. Đồng thời:
- Tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ);
- 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) và;
- Nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2017 còn dư chuyển sang (nếu có).
- Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên năm 2018 để tạo nguồn cải cách tiền lương cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định.
- Sau khi đã bảo đảm nhu cầu cải cách tiền lương, các địa phương chủ động sử dụng nguồn cải cách tiền lương của mình thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành. Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách một số địa phương phần nhu cầu kinh phí còn thiếu theo quy định.
Trong giai đoạn 2018-2020, các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương, trường hợp xác định bảo đảm nguồn kinh phí cải cách lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả lộ trình, không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ, thì được phép sử dụng nguồn làm lương còn dư để đầu tư các dự án theo quy định của pháp luật.
Xem toàn văn Quyết định 1916/QĐ-TTg.