Tết Âm lịch 2021 đang ngày một đến gần hơn, vào khoảng thời gian này người lao động nói chung và giáo viên nói riêng phải tất bật với công việc cuối năm và chuẩn bị đón năm mới. Theo đó, giáo viên cần lưu ý những quy định sau để có một cái Tết thật trọn vẹn.
Tất tần tật những quy định giáo viên nên biết về nghỉ Tết Âm lịch 2021 (Ảnh minh họa)
1. Tết Âm lịch 2021 giáo viên được nghỉ bao nhiêu ngày?
Bộ luật Lao động 2019 vẫn giữ nguyên tinh thần của Bộ luật Lao động 2012 khi cho phép người lao động trên cả nước được nghỉ 05 ngày vào dịp Tết Âm lịch (Tết Nguyên đán). Tuy nhiên, khác ở chỗ Bộ luật Lao động 2019 quy định hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định cụ thể ngày nghỉ Tết Âm lịch cho người lao động. Theo đó, dịp Tết Âm lịch 2021 học sinh, giáo viên được sẽ được nghỉ ít nhất là 05 ngày, lịch nghỉ cụ thể sẽ do các tỉnh thành trên cả nước công bố.
>> Xem thêm bài viết Lịch nghỉ Tết 2021 của học sinh các tỉnh thành trên cả nước.
2. Chế độ lương, thưởng dành cho giáo viên dịp Tết Âm lịch 2021
Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Từ quy định này có thể thấy người sử dụng lao động không bắt buộc phải thưởng cho người lao động.
Đối với giáo viên, theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật viên chức 2010, viên chức được được hưởng tiền thưởng theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập. Căn cứ quy định này, các đơn vị sự nghiệp công lập không bắt buộc phải thưởng Tết cho giáo viên. Việc thưởng Tết sẽ do đơn vị tự quyết định theo quy chế của từng đơn vị dựa trên nguồn kinh phí, doanh thu và năng suất làm việc của từng viên chức.
Như vậy, giáo viên sẽ có thể không được thưởng Tết Âm lịch 2021 nếu kinh phí chi tiêu không thường xuyên hàng năm của nhà trường không có dư hoặc thâm hụt hoặc năng suất làm việc không hiệu quả.
3. Giáo viên có bắt buộc phải trực Tết Âm lịch 2021 hay không?
Theo quy định Bộ luật Lao động 2019, dịp Tết giáo viên được quyền nghỉ và hưởng nguyên lương (bao gồm cả phụ cấp). Do đó, không có cơ sở để bắt buộc giáo viên phải trực trường vào những ngày này. Tuy nhiên, hiệu trưởng, nhà trường cũng có thể thỏa thuận với giáo viên về việc trực trường vào dịp tết và khi đó giáo viên sẽ được hưởng lương làm thêm giờ theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Viên chức 2010. Cụ thể:
Điều 12. Quyền của viên chức về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương
...
2. Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.
Đồng thời, một trong những điều kiện để được sử dụng người lao động làm thêm giờ là phải được sự đồng ý của người lao động, nên khi có quyết định giáo viên trực trường phải được giáo viên đồng ý.
Theo đó, nếu trực tết giáo viên sẽ được hưởng tiền lương làm thêm giờ, làm thêm giờ vào ban đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể, Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
-
Trường hợp người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương thì sẽ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày;
-
Trường hợp người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương như trên còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
Như vậy, hiệu trưởng, nhà trường không có quyền ép giáo viên phải trực trường vào những ngày nghỉ Tết Âm lịch 2021.
4. Ép giáo viên trực Tết Âm lịch 2021 thì bị xử lý như thế nào?
Như đã trình bày, thời gian nghỉ tết là thời gian nghỉ hợp pháp của giáo viên, hiệu trưởng và nhà trường không được ép buộc giáo viên đi trực ở trường trong thời gian này. Nếu nhà trường ép giáo viên trực Tết Âm lịch 2021 thì căn cứ theo quy định tại Điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP có thể bị xử lý như sau:
-
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết;
-
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động.
Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá 12 giờ trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần theo một trong các mức sau đây:
-
Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
-
Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
-
Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
-
Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
-
Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Như vậy, hiệu trưởng, nhà trường nếu ép giáo viên trực tết có thể bị phạt lên đến 75.000.000 đồng, mức phạt này đã tăng lên gấp 1,5 lần so với quy định tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP.
Thùy Trâm