Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Luật sửa đổi một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2019.
Ảnh minh họa
Cụ thể, theo Khoản 8 Điều 2 Luật này sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 56 Luật viên chức 2010, viên chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được bổ nhiệm, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng hoặc thôi việc. Điều này đồng nghĩa với việc vẫn sẽ giải quyết chế độ nghỉ hưu cho viên chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật. (theo quy định hiện hành thì sẽ không giải quyết nghỉ hưu cho những đối tượng này). Như vậy, có thể thấy, Luật sửa đổi đã nới lỏng điều kiện giải quyết nghỉ hưu đối với viên chức so với quy định hiện hành tại Luật viên chức 2010.
Đồng thời, theo nội dung sửa đổi tại Luật này, từ ngày 01/7/2020, viên chức bị xử lý kỷ luật vẫn được bổ nhiệm. Cụ thể, trường hợp viên chức bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì không thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực, tức vẫn có thể được bổ nhiệm lại hoặc bố trí chức vụ thấp hơn.
Trường hợp viên chức bị kỷ luật bằng hình thức cách chức thì không thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.
Như vậy, Luật sửa đổi đã chia việc xử lý kỷ luật đối với viên chức thành 2 mức độ để xem xét có được bổ nhiệm lại hay không, theo đó, nếu bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo thì không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng nhưng vẫn có thể được bổ nhiệm lại hoặc bố trí chức vụ thấp hơn, nếu bị kỷ luật cách chức thì sẽ không được bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng.
Luật viên chức 2010 hiện nay quy định viên chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì đương nhiên không được bổ nhiệm, kể cả bổ nhiệm lại trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.
Hải Thanh