Những thay đổi quan trọng về kỷ luật công chức từ 20/9

Từ ngày 20/9/2020, Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức chính thức có hiệu lực. Trong đó, những quy định về kỷ luật công chức đã có một số thay đổi quan trọng.

công chức, Nghị định 112/2020/NĐ-CP

Những thay đổi quan trọng về kỷ luật công chức từ 20/9 (Ảnh minh họa)

Theo đó, tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về kỷ luật công chức đã có một số thay đổi quan trọng so với Nghị định 34/2011/NĐ-CP trước đó, cụ thể như sau:

1. Về nguyên tắc xử lý kỷ luật công chức

Những điểm mới về nguyên tắc xử lý kỷ luật công chức được quy định tại Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP:

- Xử lý kỷ luật công chức phải đảm bảo công khai, minh bạch;

- Không tách riêng từng nội dung vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức để xử lý kỷ luật nhiều lần với các hình thức kỷ luật khác nhau;

- Trường hợp công chức đã bị xử lý kỷ luật đảng thì hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm ở mức độ tương xứng với kỷ luật đảng.

Lưu ý: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xem xét, quyết định việc xử lý kỷ luật hành chính.

- Công chức có hành vi vi phạm lần đầu đã bị xử lý kỷ luật mà trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày quyết định xử lý kỷ luật có hiệu lực có cùng hành vi vi phạm thì bị coi là tái phạm;

Trường hợp ngoài thời hạn 24 tháng thì hành vi vi phạm đó được coi là vi phạm lần đầu nhưng được tính là tình tiết tăng nặng khi xem xét xử lý kỷ luật.

2. Về các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật công chức

Tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP bổ sung thêm 01 trường hợp mới chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với công chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

3. Về các trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật công chức

Bổ sung thêm trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật bao gồm:

- Được cấp có thẩm quyền xác nhận vi phạm trong tình thế cấp thiết, trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự khi thi hành công vụ.

- Công chức có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời.

4. Về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật công chức

Theo đó, Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định:

- Bổ sung thời hiệu xử lý kỷ luật đối với công chức là 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp áp dụng thời hiệu 02 năm (đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách).

- Tăng thời hạn xử lý kỷ luật đối với công chức từ tối đa là 02 tháng lên không quá 90 ngày trong trường hợp thông thường và không quá 150 ngày đối với các vụ việc có tình tiết phức tạp.

5. Không áp dụng kỷ luật hạ bậc lương đối với công chức giữa chức danh quản lý, lãnh đạo

Theo đó, hình thức kỷ luật áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chỉ còn 05 hình thức sau:

  • Khiển trách.

  • Cảnh cáo.

  • Giáng chức.

  • Cách chức.

  • Buộc thôi việc.

Như vậy, Nghị định 112/2020/NĐ-CP đã bỏ đi hình thức kỷ luật hạ bậc lương đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

6. Bổ sung thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức đã nghỉ việc

Theo đó, tại khoản 18 Điều 1 Luật cán bộ công chức và luật viên chức sửa đổi 2019 quy định:

- Mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

- Công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.

Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức đã nghỉ việc là một quy định hoàn toàn mới tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ, chức danh thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh cao nhất ra quyết định xử lý kỷ luật. Trong trường hợp này, cấp có thẩm quyền quyết định việc xử lý đối với các chức vụ, chức danh khác có liên quan.

- Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh ra quyết định xử lý kỷ luật.

Như vậy, kể từ ngày Nghị định 112/2020/NĐ-CP có hiệu lực thay thế cho Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức đã có những thay đổi quan trọng. Những thay đổi này liên quan trực tiếp đến quyền lợi và trách nhiệm của công chức mà công chức cần đặc biệt lưu ý.

Thùy Trâm

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1962 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;