Cuối năm 2019, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 13/2019/TT-BNV thay thế Thông tư 06/2012/TT-BNV về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Ảnh minh họa
Theo đó, tại Thông tư 13/2019/TT-BNV có một số điểm mới mà mọi cán bộ, công chức xã cần phải biết, đó là:
1. Công chức cấp xã bắt buộc phải có trình độ đại học trở lên
Cụ thể, trước đây, Điểm c Khoản 1 Điều 2 Thông tư 06/2012/TT-BNV yêu cầu tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn với công chức xã chỉ là tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trở lên của ngành đào tạo phù hợp chức danh đảm nhiệm nhưng theo Điểm c Khoản 1 Điều 1 Thông tư 13/2019/TT-BNV thì từ ngày 25/12/2019, công chức cấp xã bắt buộc phải tốt nghiệp đại học trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã.
Bên cạnh đó, trình độ tin học cũng phải được nâng cấp lên chứng chỉ sử dụng công nghệ thông tin theo chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT. (Theo quy định cũ thì chỉ cần chứng chỉ tin học văn phòng trình độ A trở lên).
Có thể thấy với xã hội phát triển thì việc nâng tiêu chuẩn bắt buộc đối với công chức cấp xã là điều cấp thiết trong tình hình hiện nay.
2. Dành 05 năm cho công chức cấp xã chưa đạt chuẩn để đạt chuẩn
Cụ thể, Thông tư 13/2019/TT-BNV nêu rõ, các quy định tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP và Thông tư này là căn cứ để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức thực hiện việc quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, thực hiện các chế độ, chính sách hoặc thực hiện tinh giản biên chế.
Trong đó, đối với công chức đã tuyển dụng trước khi Thông tư 13 có hiệu lực thi hành mà chưa đạt đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 13 thì trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành phải đáp ứng đủ theo quy định.
3. 05 chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư
Công chức cấp xã dôi dư do không đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 1 Thông tư 13/2019/TT-BNV, Chủ tịch UBND cấp huyện tổng hợp và đề xuất với Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện như sau:
-
Tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP và Nghị định 113/2018/NĐ-CP;
-
Giải quyết chế độ thôi việc theo quy định của Luật Cán bộ, công chức 2008;
-
Giải quyết cho nghỉ hưu trước tuổi; nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Nghị định 26/2015/NĐ-CP;
-
Điều chuyển, bổ sung cho các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn cấp huyện hoặc ở địa bàn cấp huyện khác thuộc tỉnh;
-
Chuyển thành công chức từ cấp huyện trở lên theo quy định tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP.
4. Không phân biệt bằng chính quy hay tại chức khi tuyển dụng công chức cấp xã
Điều 3 Thông tư 13/2019/TT-BNV quy định, điều kiện đăng ký dự tuyển công chức cấp xã thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định 112/2011/NĐ-CP. Trong đó, không phân biệt loại hình đào tạo, trường công lập, ngoài công lập.
Bên cạnh đó tại Điều 2 Thông tư 27/2019/TT-BGDĐT quy định về nội dung ghi trên văn bằng đại học đã bãi bỏ hình thức đào tạo.
Có thể thấy các văn bản pháp luật đang có sự thống nhất với nhau về việc không phân biệt hình thức đào tạo chính quy hay tại chức, nhằm tạo sự công bằng đối với người học.
5. Công chức cấp xã được bố trí thêm người đảm nhiệm
Theo quy định thì mỗi chức danh công chức cấp xã chỉ được bố trí từ 01 người trở lên. Tuy nhiên, Thông tư 13 đã có sự thay đổi như sau: “UBND cấp tỉnh quy định việc bố trí tăng thêm người ở một số chức danh công chức cấp xã phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng xã, phường, thị trấn (trừ chức danh Trưởng Công an xã và Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã)”.
Theo đó, 05 chức danh được bố trí thêm người đảm nhiệm bao gồm:
-
Văn phòng – Thống kê;
-
Địa chính – Xây dựng – Đô thị và Môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính – Nông nghiệp – Xây dựng và Môi trường (đối với xã);
-
Tài chính – Kế toán;
-
Tư pháp – Hộ tịch;
-
Văn hóa – Xã hội.
Mỗi chức danh trên khi bố trí thêm người đảm nhiệm thì “không được vượt quá tổng số cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 92/2009/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 34/2019/NĐ-CP”, cụ thể:
-
Cấp xã loại 1: Tối đa 23 người;
-
Cấp xã loại 2: Tối đa 21 người;
-
Cấp xã loại 3: Tối đa 19 người.
6. Duy nhất 01 trường hợp không phải sát hạch khi tiếp nhận công chức xã
Căn cứ theo Nghị định 112/2011/NĐ-CP và Thông tư 13/2019/TT-BNV thì các trường hợp tuyển dụng công chức cấp xã không qua thi tuyển bao gồm:
-
Người tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên ở trong nước, loại khá trở lên ở nước ngoài;
-
Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, đã có thời gian làm viên chức 05 năm (đủ 60 tháng) trở lên, tính từ thời điểm được tuyển dụng viên chức (không kể thời gian tập sự);
-
Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an) và người làm công tác cơ yếu, đã có thời gian công tác 05 năm (đủ 60 tháng) trở lên trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an) hoặc làm công tác cơ yếu, tính từ thời điểm có quyết định tuyển dụng chính thức vào quân đội, công an hoặc tại các tổ chức của lực lượng cơ yếu;
-
Cán bộ cấp xã khi thôi đảm nhiệm chức vụ cán bộ cấp xã khi có đủ điều kiện của công chức cấp xã, còn số lượng và vị trí chức danh công chức cấp xã cần tuyển dụng.
Trong đó, Khoản 4 Điều 6 Thông tư 13/2019/TT-BNV quy định, khi tiếp nhận công chức cấp xã không qua thi tuyển, Chủ tịch UBND cấp huyện phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch, trừ trường hợp trước khi được bầu giữ chức vụ cán bộ cấp xã đã là công chức cấp xã.
Lê Hải
- Từ khóa:
- Thông tư 13/2019/TT-BNV
- Công chức
- Công chức xã