Những điều cần biết khi tiếp nhận viên chức vào làm công chức

Luật cán bộ, công chức và luật viên chức sửa đổi 2019 có nhiều thay đổi trong quy định về cán bộ, công chức, viên chức. Một trong số đó là quy định xét duyệt viên chức thành công chức.

Những điều cần biết khi tiếp nhận viên chức vào làm công chức

Những điều cần biết khi tiếp nhận viên chức vào làm công chức (Ảnh minh họa)

Điều kiện tiếp nhận viên chức vào làm công chức

Tại khoản 5 Điều 1 Luật cán bộ, công chức và luật viên chức sửa đổi 2019 quy định:

Ngoài hình thức tuyển dụng thông qua thi tuyển và xét tuyển, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định tiếp nhận người đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm vào làm công chức đối với viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, khoản 1 Điều 18 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định căn cứ yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức được quyền xem xét, tiếp nhận viên chức vào làm công chức nếu đáp ứng các điều kiện sau:

- Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

- Đủ 18 tuổi trở lên.

- Có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng.

- Có văn bằng, chứng chỉ phù hợp.

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt.

- Đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ.

- Các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển.

- Không trong thời hạn xử lý kỷ luật.

- Không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo Điều 82 Luật cán bộ, công chức 2008 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019.-

- Có đủ 05 năm công tác trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc, nếu có thời gian công tác không liên tục thì được cộng dồn) làm công việc có yêu cầu trình độ đào tạo chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển.

Như vậy, viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập để được tiếp nhận vào làm công chức phải đáp ứng các điều kiện trên.

Quy trình tiếp nhận viên chức thành công chức

* Hồ sơ của người được đề nghị tiếp nhận vào làm công chức

Được thực hiện theo khoản 3 Điều 18 Nghị định 138, gồm có:

- Sơ yếu lý lịch công chức (được lập chậm nhất là 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận), có xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác.

- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

Trường hợp người được đề nghị tiếp nhận có bằng tốt nghiệp chuyên môn đã chuẩn đầu ra về ngoại ngữ hoặc tin học tương ứng với yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển hoặc được miễn phần thi ngoại ngữ hoặc tin học thì không phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

- Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp (chậm nhất là 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận).

- Bản tự nhận xét, đánh giá của người được đề nghị tiếp nhận về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, quá trình công tác có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác.

* Quy trình, thủ tục tiếp nhận

Khi tiếp nhận viên chức vào làm công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức thì phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch. Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc làm việc của Hội đồng kiểm tra, sát hạch được thực hiện theo khoản 4 Điều 18 Nghị định 138 như sau:

- Kiểm tra về tiêu chuẩn, điều kiện, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận của người được đề nghị tiếp nhận theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

- Tổ chức sát hạch về trình độ hiểu biết chung và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người được đề nghị tiếp nhận.

- Báo cáo người đứng đầu cơ quan quản lý công chức về kết quả kiểm tra, sát hạch.

- Hội đồng kiểm tra, sát hạch làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến mà Chủ tịch Hội đồng kiểm tra, sát hạch đã biểu quyết. Hội đồng kiểm tra, sát hạch tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

* Hình thức sát hạch: là phỏng vấn hoặc viết hoặc kết hợp phỏng vấn và viết.

* Nội dung sát hạch: căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển để xây dựng. Hội đồng kiểm tra, sát hạch chịu trách nhiệm xây dựng nội dung sát hạch, đề xuất hình thức và cách thức xác định kết quả sát hạch, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, báo cáo người đứng đầu cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định trước khi tổ chức sát hạch.

Bảo Ngọc

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
465 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;