Nghị định 62/2020/NĐ-CP: Một số thay đổi về điều chỉnh biên chế công chức

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức có hiệu lực từ ngày 01/7/2020. Theo đó đã có một số thay đổi về điều chỉnh biên chế công chức, cụ thể như sau:

thay đổi về điều chỉnh biên chế công chức, Nghị định 62/2020/NĐ-CP

Nghị định 62/2020/NĐ-CP: Một số thay đổi về điều chỉnh biên chế công chức (Ảnh minh họa)

1. Thay đổi căn cứ điều chỉnh biên chế công chức 

Theo khoản 1 Điều 13 Nghị định 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức quy định việc điều chỉnh biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức được xem xét trong các trường hợp sau:

- Cơ quan, tổ chức có thay đổi một trong các căn cứ sau:

  • Vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng vị trí việc làm;

  • Mức độ hiện đại hóa về trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin;

  • Thực tế việc sử dụng biên chế công chức được giao;

  • Đối với cơ quan, tổ chức ở địa phương, ngoài các căn cứ trên còn phải căn cứ vào quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và đặc điểm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

- Thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan, tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

- Thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện.

So với quy định tại Điều 11 Nghị định 21/2010/NĐ-CP (hết hiệu lực từ ngày 01/7/2020) thì quy định mới đã bãi bỏ căn cứ điều chỉnh biên chế công chức khi điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, tại quy định mới cũng đã bổ sung các trường hợp mới có thể dẫn đến điều chỉnh biên chế công chức (khi có sự thay đổi các căn cứ xác định biên chế công chức).

2. Giữ nguyên thành phần hồ sơ điều chỉnh biên chế công chế

Theo khoản 2 Điều 13 Nghị định 62/2020/NĐ-CP, hồ sơ điều chỉnh biên chế công chức bao gồm:

  • Văn bản đề nghị điều chỉnh biên chế công chức;

  • Đề án điều chỉnh biên chế công chức;

  • Các tài liệu liên quan đến điều chỉnh biên chế công chức kèm theo.

Có thể thấy, về cơ bản thành phần hồ sơ điều chỉnh biên chế công chức tại Nghị định 62/2020/NĐ-CP tương tự như thành phần hồ sơ được quy định tại Nghị định 21/2010/NĐ-CP.

Tuy nhiên, tại Nghị định 62/2020/NĐ-CP đã bãi bỏ yêu cầu về những nội dung chủ yếu của văn bản đề nghị điều chỉnh biên chế công chức như sự cần thiết và căn cứ của việc điều chỉnh biên chế công chức; nội dung chính của đề án điều chỉnh biên chế công chức; kiến nghị, đề xuất. Theo đó, từ ngày 20/7/2020, nội dung văn bản đề nghị điều chỉnh biên chế công chức sẽ do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị tự lập theo nhu cầu riêng của các đơn vị và không bị ràng buộc bởi yêu cầu nào.

3. Cụ thể hóa trình tự thực hiện điều chỉnh biên chế công chức

Theo khoản 2 Điều 13 Nghị định 62/2020/NĐ-CP, trình tự điều chỉnh biên chế được thực hiện như sau:

- Đối với việc điều chỉnh tăng biên chế công chức hoặc điều chuyển biên chế công chức giữa các bộ, ngành, địa phương, các bộ, ngành, địa phương gửi hồ sơ điều chỉnh biên chế công chức quy định về Bộ Nội vụ để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

- Đối với việc điều chuyển biên chế công chức giữa các bộ, ngành, địa phương với Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước , các bộ, ngành, địa phương gửi hồ sơ điều chuyển biên chế công chức quy định về Bộ Nội vụ để quyết định. Bộ Nội vụ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt biên chế công chức hằng năm.

Như vậy, so với quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định 21/2010/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 110/2015/NĐ-CP thì quy định mới trên cơ sở kế thừa quy định cũ, đồng thời quy định cụ thể hơn về trình tự thực hiện việc điều chỉnh biên chế công chức.

Lê Vy

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
588 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;