Năm 2021, phụ cấp thâm niên của công an, quân đội và giáo viên có gì mới?

Phụ cấp thâm niên là một trong những chế độ dành cho các đối tượng quân đội, công an, giáo viên,... cùng với các chế độ phụ cấp, tiền thưởng, nâng bậc lương hay các chế độ khuyến khích khác.

phụ cấp thâm niên của công an, quân đội và giáo viên

Năm 2021, phụ cấp thâm niên của công an, quân đội và giáo viên có gì mới? (Ảnh minh họa)

Theo tinh thần của Nghị quyết 27/NQ-TW, một trong những nội dung cải cách chính sách tiền lương là bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức, viên chức nói chung và giáo viên nói riêng chỉ trừ 03 đối tượng sau: quân đội, công an và cơ yếu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc cải cách chính sách tiền lương này sẽ được dời lại. Vậy, năm 2021, chế độ phụ cấp thâm niên của công an, quân đội và giáo viên được tính như thế nào?

1. Phụ cấp thâm niên của công an

Căn cứ Điều 10 Nghị định 49/2019/NĐ-CP, chế độ phụ cấp thâm niên đối với công nhân công an được quy định như sau:

- Mức phụ cấp: Công nhân công an có thời gian phục vụ trong Công an nhân dân đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi mỗi năm (12 tháng) được tính thêm 1%.

- Cách trả phụ cấp: Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

- Thời gian tính hưởng phụ cấp:

  • Thời gian phục vụ trong Công an nhân dân;

  • Thời gian hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành, nghề khác được cộng dồn với thời gian phục vụ trong Công an nhân dân để tính hưởng phụ cấp thâm niên.

Lưu ý: Không tính hưởng phụ cấp trong các khoản thời gian sau:

  • Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;

  • Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

  • Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam, sau đó bị kỷ luật buộc thôi việc.

2. Phụ cấp thâm niên của quân đội

- Điều kiện và mức phụ cấp thâm niên: Đối tượng là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng đang công tác, làm việc tại các cơ quan, đơn vị có thời gian phục vụ trong lực lượng thường trực của Quân đội đủ 5 năm (đủ 60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ 6 trở đi mỗi năm (12 tháng) được tính thêm 1%.

- Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên:

  • Thời gian phục vụ trong lực lượng thường trực của Quân đội;

  • Thời gian hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành, nghề khác (bao gồm: công an, cơ yếu, hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, kiểm tra Đảng, nhà giáo, dự trữ quốc gia và các ngành, nghề khác được Chính phủ quy định) được cộng dồn với thời gian phục vụ trong lực lượng thường trực của Quân đội.

Lưu ý:

+ Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên nêu trên nếu có đứt quãng thì được cộng dồn;

+ Trong cùng một thời điểm làm việc, được hưởng nhiều loại phụ cấp thâm niên (của nhiều ngành, nghề khác nhau) thì chỉ được hưởng một loại phụ cấp thâm niên;

+ Không được tính hưởng phụ cấp thâm niên các khoảng thời gian sau:

  • Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử; thời gian chấp hành hình phạt tù giam; thời gian đào ngũ;

  • Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;

  • Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

- Ví dụ minh họa:

Ví dụ 1: Đồng chí P, tháng 7 năm 1982 được Quân đội tuyển dụng công nhân quốc phòng. Tính đến ngày 01 tháng 7 năm 2016, đồng chí công nhân quốc phòng P có thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên như sau:

Thời gian là công nhân quốc phòng từ tháng 7 năm 1982 đến hết tháng 6 năm 2016 là 34 năm. Như vậy, ngày 01 tháng 7 năm 2016 đồng chí công nhân quốc phòng P có thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên là 34 năm và được hưởng phụ cấp thâm niên với tỷ lệ là 34%.

Ví dụ 2: Đồng chí Q, tháng 3 năm 2007 được Quân đội tuyển dụng viên chức quốc phòng, tháng 6 năm 2016 chuyển ngành sang Sở Tài chính thành phố Hà Nội. Tháng 6 năm 2016 đồng chí Q không được hưởng phụ cấp thâm niên.

Ví dụ 3: Đồng chí công nhân quốc phòng A, nhận lương hưu từ tháng 6 năm 2016. Đồng chí A không được hưởng phụ cấp thâm niên để tính lương hưu.

Ví dụ 4: Đồng chí X, tháng 01 năm 2008 được Quân đội tuyển dụng công nhân quốc phòng, tháng 9 năm 2014 được Quân đội tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp. Tính đến ngày 01 tháng 7 năm 2016, đồng chí quân nhân chuyên nghiệp X có thời gian công tác tính hưởng phụ cấp thâm niên như sau:

Tổng thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên là 8 năm 6 tháng, gồm 6 năm 8 tháng là công nhân quốc phòng (từ tháng 01 năm 2008 đến hết tháng 8 năm 2014) và 1 năm 10 tháng là quân nhân chuyên nghiệp (từ tháng 9 năm 2014 đến hết tháng 6 năm 2016). Theo đó, tháng 7 năm 2016 đồng chí quân nhân chuyên nghiệp X được hưởng phụ cấp thâm niên với tỷ lệ là 8%; (tháng 6 năm 2016 đồng chí quân nhân chuyên nghiệp X chưa được hưởng phụ cấp thâm niên).

Ví dụ 5: Đồng chí C, công tác ở ngành Hải quan đủ 12 năm. Tháng 01 năm 2014 được Quân đội tuyển dụng làm viên chức quốc phòng. Tính đến ngày 01 tháng 7 năm 2016, đồng chí viên chức quốc phòng C có thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên như sau:

Tổng thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên là 14 năm 6 tháng, gồm 12 năm công tác ở ngành Hải quan và 2 năm 6 tháng là viên chức quốc phòng (từ tháng 01 năm 2014 đến hết tháng 6 năm 2016). Theo đó, tháng 7 năm 2016 đồng chí viên chức quốc phòng C được hưởng phụ cấp thâm niên với tỷ lệ là 14%.

Ví dụ 6: Đồng chí B là công chức quốc phòng, được Quân đội tuyển dụng từ tháng 3 năm 2011. Tháng 7 năm 2016 đồng chí công chức quốc phòng B không được hưởng phụ cấp thâm niên vì không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 49/2019/NĐ-CP.

=> Nghị quyết 27-NQ/TW 2018 đã nêu rõ việc bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề nhưng trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức.

3. Phụ cấp thâm niên của giáo viên

Như đã đề cập, Nghị quyết 27/NQ-TW bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề đối với giáo viên. Để thống nhất với tinh thần của Nghị quyết, Điều 76 Luật Giáo dụ‌c 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 cũng đã bỏ phụ cấp thâm niên nghề ra khỏi các chế độ dành cho giáo viên.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phụ cấp thâm niên của giáo viên vẫn chưa bị bãi bỏ. Cụ thể, tại Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII từ ngày 5 - 9/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tán thành với kiến nghị của Ban cán sự đảng Chính phủ về thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới kể từ ngày 1/7/2022 thay vì vào năm 2021 như trước.

Như vậy, chế độ phụ cấp thâm niên của giáo viên vẫn chưa bị bãi bỏ. Căn cứ, tại Điều 2, Điều 3 Nghị định 54/2011/NĐ-CP và được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH quy định về thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên, mức hưởng phụ cấp thâm niên của giáo viên như sau:

- Mức hưởng phụ cấp thâm niên của giáo viên được tính như sau: Nhà giáo đang làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập có thời gian giảng dạy, giáo dục được tính hưởng phụ cấp thâm niên đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.

- Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên của giáo viên được xác định bằng tổng các thời gian sau:

  • Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập;

  • Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập).

- Ví dụ minh họa:

Chị Nguyễn Thị An đã giảng dạy, giáo dục ở trường mầm non công lập được 8 năm và nhận lương loại  A2 với hệ số lương 6.10. Như vậy, Chị An có thời gian được tính hưởng phụ cấp thâm niên là 08 năm), mức phụ cấp thâm niên tương ứng với thời gian 08 năm là 8%.

Vậy mức tiền phụ cấp thâm niên = 6.1 x 1.490.000 x 8% = 727.120 đồng.

Trên đây là toàn bộ những quy định pháp luật về phụ cấp thâm niên của công an, quân đội và giáo viên. Nhìn chung, do ảnh hưởng của Covid-19 việc bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề đối với giáo viên bị dời lại, riêng đối tượng là công an, quân đội thì vẫn giữ nguyên chế độ phụ cấp như trước.

Thùy Trâm

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2030 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;