Một số điểm mới trong Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự

Ngày 26-11-2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự thay thế Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 (Pháp lệnh năm 2004). Luật gồm 10 chương với 73 điều có hiệu lực thi hành từ 01-01-2018. Sau đây là một số điểm mới quan trọng của Luật:


1. Về nguyên tắc tổ chức điều tra hình sự

Điều 3 của Luật đã quy định rõ ràng và đầy đủ hơn các nguyên tắc tổ chức điều tra hình sự; theo đó, tổ chức điều tra hình sự phải bảo đảm 04 nguyên tắc sau: Thứ nhất, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; Thứ hai, bảo đảm sự chỉ đạo, chỉ huy tập trung thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; phân công, phân cấp rành mạch, chuyên sâu và được kiểm soát chặt chẽ; Thứ ba, cơ quan điều tra cấp dưới chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ của Cơ quan điều tra cấp trên; cá nhân chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình; Thứ tư, chỉ cơ quan, người có thẩm quyền quy định trong Luật này mới được tiến hành hoạt động điều tra hình sự.

Đây là những tư tưởng chỉ đạo, có tính xuyên suốt mà các Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải tuân thủ trong quá trình tổ chức điều tra hình sự.

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII

2. Về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra

Để khẳng định vai trò, vị trí và trách nhiệm của Viện kiểm sát trong điều tra hình sự (phù hợp với Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi), Điều 11 quy định: Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra; Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát theo quy định pháp luật. 

3. Về những hành vi bị nghiêm cấm
 
So với Pháp lệnh năm 2004, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự đã bổ sung 01 điều luật mới (Điều 14) quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như: (1) Làm sai lệch hồ sơ vụ án; làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm; can thiệp trái pháp luật vào việc điều tra vụ án hình sự. (2) Bức cung, dùng nhục hình; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. (3) Cản trở quyền được bào chữa của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can; quyền khiếu nại, tố cáo của người khác. (4) Cản trở người bào chữa, người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện việc bào chữa, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.
 
4. Về tổ chức bộ máy của Cơ quan điều tra chuyên trách và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra

a) Về tổ chức cơ quan điều tra chuyên trách:

Về cơ bản Luật giữ nguyên hệ thống cơ quan điều tra chuyên trách trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân tối cao như Pháp lệnh năm 2004. Tuy nhiên, trong một số hệ thống cơ quan điều tra có sự kiện toàn, sắp xếp lại. Cụ thể:

- Để tăng cường tính chuyên trách trong hoạt động điều tra, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động điều tra trinh sát và hoạt động điều tra theo tố tụng, Luật quy định hợp nhất Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng và Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ thành Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vụ; Thành lập mới Cục cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, xâm phạm sở hữu trí tuệ - Bộ Công an (gọi tắt là Cục cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu); Tại Cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp tỉnh thành lập Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, xâm phạm sở hữu trí tuệ (gọi tắt là Phòng CSĐT tội phạm về buôn lậu) .

- Luật quy định một số nội dung mới phù hợp với Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, theo đó, Cơ quan điều tra VKSNDTC gồm có các Phòng điều tra và bộ máy giúp việc; Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương gồm có Ban điều tra và bộ phận giúp việc.

b) Về tổ chức các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra:

Luật bổ sung một số cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, đó là Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (ở cấp bộ), Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao (ở cấp tỉnh) và các cơ quan Kiểm ngư (Cục Kiểm ngư, Chi cục Kiểm ngư vùng).

Để tạo cơ chế đảm bảo các tố giác, tin báo về tội phạm được tiếp nhận và xử lý nhanh chóng kịp thời thực hiện nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, Luật đã bổ sung thêm cơ quan Kiểm ngư là một trong 07 cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Giảm bớt 198 đầu mối các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong lực lượng Công an nhân dân (trong đó có 2 Cục, 126 Phòng và 70 Trại tạm giam) như: Cục Cảnh sát giao thông đường thuỷ, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, Phòng Cảnh sát giao thông đường thuỷ, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Phòng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, Trại tạm giam. 

Các cơ quan của Bộ đội biên phòng được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có Cục trinh sát biên phòng; Cục phòng, chống ma túy và tội phạm; Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm; Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh; Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng; Đồn biên phòng. Như vậy so với Pháp lệnh 2004 bổ sung hai loại cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm và Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng.

Các cơ quan thuộc Hải quan được giữ nguyên về tổ chức như Pháp lệnh năm 2004.

Các cơ quan của Kiểm lâm được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có: Cục Kiểm lâm; Chi cục Kiểm lâm vùng; Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh; Hạt Kiểm lâm. Như vậy, so với Pháp lệnh 2004, bổ sung Chi cục Kiểm lâm vùng và bỏ Hạt phúc kiểm lâm sản là loại cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có: Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển; Cục Nghiệp vụ và pháp luật; Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy; Hải đoàn; Hải đội; Đội nghiệp vụ. So với Pháp lệnh năm 2004, tên đơn vị và chức danh người đứng đầu các đơn vị Cảnh sát biển đã được đổi tên phù hợp với tổ chức mới của lực lượng Cảnh sát biển.

5. Về thẩm quyền điều tra
5.1. Về thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân: 

Để đảm bảo phù hợp với các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi, Luật quy định theo hướng tăng thẩm quyền điều tra cho cấp cơ sở, tạo điều kiện cho cấp trung ương và cấp tỉnh thực hiện tốt công tác hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động điều tra, phù hợp với chủ trương phân cấp cho cấp dưới. Đồng thời, bổ sung thẩm quyền cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, theo đó chỉ “Tiến hành điều tra vụ án hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra; các vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại" (Điều 19).

Đối với Cơ quan an ninh điều tra (ANĐT) của Bộ Công an, Luật bổ sung thẩm quyền điều tra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan ANĐT do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại (Điều 16); bổ sung thẩm quyền cho Cơ quan ANĐT Công an cấp tỉnh điều tra các vụ án hình sự về tội phạm khác liên quan đến an ninh quốc gia hoặc để đảm bảo khách quan theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an (Điều 17).

5.2. Về thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân:

Cơ quan An ninh điều tra trong Quân đội được bổ sung thẩm quyền điều tra các tội khủng bố, tội tài trợ khủng bố (các Điều 23, 24). Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng được quyền điều tra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra hình sự do Hội đồng Thẩm phán Tòa án quân sự hủy để điều tra lại (các Điều 26, 27, 28).

5.3. Về thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao:

Luật quy định mở rộng thẩm quyền điều tra đối với Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương về loại tội phạm, tội danh mới trong Bộ luật Hình sự và diện đối tượng phạm tội, cụ thể:

Được mở rộng thẩm quyền điều tra tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp. 

Luật bổ sung thẩm quyền điều tra hành vi phạm tội của những người có thẩm quyền thực hiện các hoạt động tư pháp gồm: Người bào chữa, người giám định, người dịch thuật, quản giáo, cán bộ điều tra; bổ sung thẩm quyền điều tra đối với các đối tượng phạm tội thuộc các đơn vị Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (cấp bộ), Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao (cấp tỉnh) và các cơ quan Kiểm ngư và lực lượng Công an các xã, phường, Đồn, thị trấn.

Được mở rộng thẩm quyền điều tra một số tội phạm quy định tại Chương 14 Bộ luật Hình sự như: Tội Làm sai lệch hồ sơ vụ việc (Điều 375) hoặc Tội Không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi hết thời hạn dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam bị giam, giữ quá hạn (Điều 377).

5.4. Về thẩm quyền và thời hạn điều tra của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra:

Luật tăng thời hạn điều tra cho các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Đối với tội phạm ít nghiêm trọng, trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án hình sự và tiến hành điều tra thì trong thời hạn 30 ngày, (Pháp lệnh quy định chỉ có 20 ngày) kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án phải kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật (từ Điều 32 đến Điều 39); 

5.5. Về thẩm quyền của lực lượng Công an xã, phường, đồn, thị trấn: 

Luật không quy định Công an xã, phường, đồn, thị trấn là cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra. Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy lực lượng này có vai trò rất quan trọng trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm, tạo điều kiện thuận lợi cho các bước tiếp theo trong điều tra các vụ án hình sự. Vì vậy, Luật đã bổ sung quy định giao cho lực lượng Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an được tiếp nhận, kiểm tra thông tin ban đầu về tố giác, tin báo tội phạm (Điều 44)

6. Về quan hệ phân công và phối hợp trong hoạt động điều tra

Luật đã xác định rõ mối quan hệ giữa hoạt động điều tra theo tố tụng và hoạt động trinh sát (Điều 42); Luật đã phân định rõ thẩm quyền hành chính và thẩm quyền tố tụng của Thủ trưởng Cơ quan điều tra trong hoạt động điều tra hình sự (Điều 43).

Đối với vụ việc có dấu hiệu phạm tội mà chưa xác định rõ thẩm quyền điều tra thì Cơ quan điều tra nào phát hiện trước phải áp dụng ngay các hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và luật này; khi đã xác định được thẩm quyền điều tra thì chuyển vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền (khoản 4 Điều 40).

7. Về chủ thể tiến hành hoạt động điều tra

7.1. Về chế định Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra

Luật đã quy định rõ ngoài trách nhiệm trong tố tụng tư pháp, Thủ trưởng và Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra còn có nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm hành chính tư pháp như: Chỉ đạo, điều hành, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác và tổng kết công tác điều tra hình sự; Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động nghiệp vụ điều tra của Cơ quan điều tra cấp dưới; Giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra (Điều 52).

7.2. Về chế định Điều tra viên

Luật quy định ngoài thẩm quyền và trách nhiệm trong tố tụng hình sự, Điều tra viên không được làm những việc  mà cán bộ, công chức, chiến sĩ lược lượng vũ trang nhân dân không được làm; Không được đưa hồ sơ, tài liệu ra khỏi cơ quan nếu không vì nhiệm vụ được giao; không được tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án, vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết ngoài nơi quy định... (Điều 53, Điều 54).

Luật quy định Điều tra viên có 3 ngạch (Sơ cấp, Trung cấp, Cao cấp). Điểm mới của Luật là: Quy định thi tuyển ngạch đối với Điều tra viên. Nhiệm kỳ bổ nhiệm lần đầu của Điều tra viên là 05 năm, bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch là 10 năm. (từ Điều 45 đến Điều 51, 56, 58)

7.3. Về chế định Cán bộ điều tra

Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự bổ sung chức danh Cán bộ điều tra là người tiến hành tố tụng để phù hợp với Bộ luật tố tụng hình sự. 

Đối với Cán bộ điều tra của các Cơ quan điều tra chuyên trách, Luật quy định là người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực điều tra hình sự, giúp Điều tra viên thực hiện một số hoạt động điều tra hình sự (Cán bộ điều tra thuộc các Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân do Thủ trưởng Cơ quan điều tra bổ nhiệm; Cán bộ điều tra thuộc Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng bổ nhiệm). 

Đối với Cán bộ điều tra thuộc cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều ra là người được Thủ trưởng cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra phân công giúp Thủ trưởng cơ quan tiến hành xác minh, điều tra theo từng vụ việc, vụ án được phát hiện (Điều 59).

Nguyễn Phương Thảo
Nguồn: Ban Nội chính Trung ương

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
926 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;