Lương và phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức như thế nào từ 01/7/2020? Đây là câu hỏi gần đây Thư Ký Luật nhận được khá nhiều từ Quý Khách hàng và Thành viên, nhất là khi thời điểm tăng lương cơ sở theo dự kiến đang đến gần. Ban biên tập Thư Ký Luật xin giải đáp vấn đề này tại bài viết dưới đây.
Lương và phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức như thế nào từ 01/7/2020? Ảnh minh họa
Theo nội dung tại Nghị quyết 86/2019/QH14 đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 12/11/2019 thì Quốc hội giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng đồng thời điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do NSNN đảm bảo) và trợ cấp ưu đãi người có công cách mạng tăng bằng mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2020.
Như vậy, theo tinh thần của Nghị quyết 86 thì từ ngày 01/7/2020, dự kiến mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức sẽ là 1,6 triệu đồng/tháng (tăng 110.000 đồng/tháng so với hiện nay). Với việc tăng lương cơ sở này sẽ kéo theo tiền lương và các khoản phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức cũng được tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid-19, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, sáng ngày 20/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cân nhắc chưa tăng lương cơ sở, lương hưu với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang từ 01/7/2020.
Và tại Kết luận 77-KL/TW về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước mới được ban hành ngày 05/6/2020, Bộ Chính trị đã nhấn mạnh “Trước mắt chưa triển khai điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01/7/2020”.
Như vậy, theo nội dung của Kết luận 77, sắp tới sẽ chưa điều chỉnh tăng lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang lên 1.600.000 đồng/tháng như dự kiến tại Nghị quyết 86/2019/QH14. Theo đó, mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2020 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (quân đội, công an, cơ yếu) vẫn duy trì ở mức 1.490.000 đồng/tháng như hiện nay. Và với việc duy trì mức lương cơ sở này thì tiền lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp của cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 01/7/2020 cũng sẽ được tính như sau:
1. Tiền lương, phụ cấp thực nhận của cán bộ, công chức được giữ nguyên
Với việc duy trì mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng kể từ ngày 01/7/2020 thì tiền lương và các khoản phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức cũng được giữ nguyên tương ứng như hiện nay. Cụ thể:
- Đối với tiền lương:
Mức lương của cán bộ, công chức = Mức lương cơ sở x Hệ số lương hiện hưởng.
Theo đó, từ 01/07/2020, mức lương hàng của cán bộ, công chức cũng = 1.490.000 đồng/tháng x Hệ số lương hiện hưởng.
- Đối với các khoản phụ cấp tính theo mức lương cơ sở:
Mức phụ cấp = Mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng x Hệ số phụ cấp hiện hưởng
- Đối với các khoản phụ cấp tính theo % mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung:
Mức phụ cấp = (Mức lương từ 01/7/2020 + Phụ cấp chức vụ lãnh đạo và thâm niên vượt khung từ 01/7/2020) x Tỷ lệ % phụ cấp được hưởng theo quy định
- Về mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu được tính theo công thức:
Mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu = 1.490.000 đồng/tháng x Hệ số chênh lệch bảo lưu hiện hưởng
- Ngoài ra, đối với đại biểu Hội đồng nhân các cấp thì mức hoạt động phí còn được tính theo công thức như sau:
Mức hoạt động phí = Mức lương cơ sở 1.490.000 x Hệ số hoạt động phí theo quy định
2. Lương tối đa của công chức, viên chức vẫn là 11,92 triệu đồng
Hiện tại, trong bảng lương tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP thì hệ số lương cao nhất thuộc về công chức, viên chức loại A3, bậc 6 với hệ số là 8.00 và mức lương thực nhận sẽ là 11,92 triệu đồng/tháng và đây là mức lương tối đa mà công chức, viên chức được nhận.
Trong khi đó, mức lương công chức thấp nhất sẽ là 2,011.5 triệu đồng/tháng đối với các công chức loại C thuộc nhóm 3 với hệ số lương 1,35.
3. Mức tiền lương tối đa tính đóng BHXH vẫn là 29,8 triệu đồng
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 85, Khoản 1 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Khoản 1 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH, số tiền đóng bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức được quy định như sau:
Số tiền đóng BHXH = Mức tiền lương tháng x 8% = (Lương + các khoản phụ cấp tính theo mức lương cơ sở) x 8%
Đồng thời, Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định nếu tiền lương cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng BHXH bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Như vậy, mức tiền lương tối đa tính đóng BHXH từ ngày 01/7/2020 vẫn sẽ = 1.490.000 đồng x 20 = 29.800.000 đồng.
4. Giữ nguyên mức hưởng các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội
Với mức lương cơ sở vẫn là 1.490.000 đồng/tháng thì từ ngày 01/7/2020, mức hưởng các loại trợ cấp bảo hiểm xã hội được tính dựa trên mức lương cơ sở cũng sẽ được giữ nguyên như hiện nay. Đơn cử:
- Trợ cấp một lần khi sinh con = 1.490.000 đồng x 2 = 2.980.000 đồng.
- Trợ cấp dưỡng sức sau sinh = 1.490.000 đồng x 30% = 447.000 đồng/ngày.
- Trợ cấp mai táng = 1.490.000 đồng x 10 = 14.900.000 đồng.
5. Mức lương hưu tối thiểu hàng tháng là 1,49 triệu đồng
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 56 Luật bảo hiểm xã hội 2014, mức lương hưu hàng tháng thấp nhất của người lao động tham gia BHXH bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu bằng mức lương cơ sở, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 và khoản 3 Điều 54 Luật này.
Do đó, từ ngày 01/7/2020, với mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng như hiện nay thì mức lương hưu tối thiểu hàng tháng của người lao động cũng sẽ duy trì ở mức là 1.490.000 đồng.
6. Mức khen thưởng với Đảng viên cũng được giữ nguyên
Theo quy định tại Hướng dẫn 56-HD/VPTW, nhiều mức khen thưởng đối với Đảng viên được căn cứ theo mức lương cơ sở.
Do đó, khi lương cơ sở giữ nguyên mức 1.490.000 đồng/tháng, các mức khen thưởng này từ ngày 01/7/2020 cũng sẽ được giữ nguyên. Đơn cử, mức tặng thưởng kèm theo Huy hiệu Đảng từ ngày 01/7/2020 như sau:
- Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng = 1,5 lần mức tiền lương cơ sở = 1.490.000 đồng x 1,5 = 2.235.000 đồng;
- Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng = 2,0 lần mức tiền lương cơ sở = 1.490.000 đồng x 2 = 2.980.000 đồng;
- Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng = 3,0 lần mức tiền lương cơ sở = 1.490.000 đồng x 3 = 5.700.000 đồng;
- Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng = 3,5 lần mức tiền lương cơ sở = 1.490.000 đồng x 3,5 = 5.215.000 đồng;
- Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng = 5,0 lần mức tiền lương cơ sở = 1.490.000 đồng x 5 = 7.450.000 đồng;
- Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng = 6,0 lần mức tiền lương cơ sở = 1.490.000 đồng x 6 = 8.940.000 đồng;
- Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng = 8,0 lần mức tiền lương cơ sở = 1.490.000 đồng x 8 = 11.920.000 đồng;
- Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng = 10,0 lần mức tiền lương cơ sở = 1.490.000 đồng x 10 = 14.900.000 đồng;
- Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng = 15,0 lần mức tiền lương cơ sở = 1.490.000 đồng x 15 = 22.350.000 đồng.
Nguyễn Trinh
- Từ khóa:
- Nghị quyết 86/2019/QH14