Lương cơ sở và lương tối thiểu vùng tăng kéo theo lương hưu tăng; số năm đóng BHXH làm căn cứ xác định tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam tăng; tăng tuổi hưởng lương hưu khi bị suy giảm khả năng lao động;... đây là những thay đổi quan trọng về lương hưu năm 2020 của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
- Nghỉ hưu trước tuổi từ 2021, công chức, viên chức và NLĐ chịu nhiều thiệt thòi
- 05 trường hợp nghỉ hưu trước tuổi vẫn hưởng nguyên lương hưu năm 2020
- Nghỉ hưu vào năm 2020, nhiều người được nhận thêm một khoản tiền
Ảnh minh họa
Chính sách, chế độ cho người về hưu trước tuổi năm 2020
1. Lương cơ sở, lương tối thiểu vùng tăng kéo theo lương hưu tăng
Cụ thể, theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, so với mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định 157/2018/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng năm 2020 đối với đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc các vùng được điều chỉnh tăng như sau:
- Vùng I: Từ ngày 01/01/2020 là 4.420.000 đồng/tháng, hiện hành là 4.180.000 đồng/tháng (tăng 240.000 đồng/tháng);
- Vùng II: Từ ngày 01/01/2020 là 3.920.000 đồng/tháng, hiện hành là 3.710.000 đồng/tháng (tăng 210.000 đồng/tháng);
- Vùng III: Từ ngày 01/01/2020 là 3.430.000 đồng/tháng, hiện hành là 3.250.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng/tháng);
- Vùng IV: Từ ngày 01/01/2020 là 3.070.000 đồng/tháng, hiện hành là 2.920.000 đồng/tháng (tăng 150.000 đồng/tháng).
Như vậy, có thể thấy, kể từ ngày 01/01/2020, lương tối thiểu vùng sẽ tăng dao động từ 150.000 đồng/tháng đến 240.000 đồng/tháng, trong đó mức tăng cao nhất 240.000 đồng/tháng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc Vùng I.
Về, mức lương cơ sở, ngày 12/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết 86/2019/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng đồng thời điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do NSNN đảm bảo) và trợ cấp ưu đãi người có công cách mạng tăng bằng mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2020.
Như vậy, từ ngày 01/7/2020, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ là 1.600.000 đồng/tháng (tăng 110.000 đồng/tháng so với hiện nay).
Việc tăng lương cơ sở, lương tối thiểu vùng này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH của người tham gia (mức lương tháng đóng BHXH bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng và không cao hơn 20 tháng lương cơ sở).
Đồng thời, theo Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội, Chính phủ điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách Nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội, như vậy, lương cơ sở, lương tối thiểu vùng tăng cũng sẽ là tiền đề cho việc tăng mức lương hưu hàng tháng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên cả nước.
2. Tăng số năm đóng BHXH làm căn cứ xác định tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam
Cụ thể, theo Điểm a khoản 2 Điều 56 và điểm a khoản 2 Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội, lao động nam nghỉ hưu vào năm 2020 thì số năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ 45% phải là 18 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%. (Trước đây, nếu nghỉ hưu vào năm 2018 thì số năm đóng BHXH là 16 năm, năm 2019 là 17 năm)
3. Tăng tuổi hưởng lương hưu khi bị suy giảm khả năng lao động
Cụ thể, theo Điểm a khoản 1 Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội, từ năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu. Tuy nhiên, từ năm 2020, nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng chế độ hưu.
4. Lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2020 được nhận thêm một khoản tiền
Cụ thể, theo Nghị định 153/2018/NĐ-CP, trong năm 2020, đối với những lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng thì tùy thuộc vào thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội mà mức lương hưu được điều chỉnh sẽ được tính như sau:
Mức lương hưu được điều chỉnh = mức lương hưu tính theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội 2014 + mức điều chỉnh
Trong đó:
Mức điều chỉnh = mức lương hưu tính theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội 2014 tại thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu x tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội
Tóm lại, nếu lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2020 và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng thì sẽ được nhân thêm một khoản tiền được tính bằng mức lương hưu theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội 2014 tại thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu nhân với tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bên cạnh mức lương hưu được nhận theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Xem chi tiết tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ TẠI ĐÂY.
Nguyễn Trinh