Lương cơ sở năm 2020 của cán bộ, công chức, viên chức là bao nhiêu? So với mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức ở các năm thì lương cơ sở năm 2020 có gì đáng chú ý? Thư Ký Luật xin giải đáp vấn đề này tại bài viết dưới đây.
Ảnh minh họa
Vào chiều ngày 12/11/2019, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, trong đó, chính thức tăng lương cơ sở lên mức 1,6 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7/2020. Có thể thấy so với lương cơ sở của các năm trước, lương cơ sở năm 2020 có hai nội dung đáng chú ý sau:
1. Có mức tăng lương cơ sở cao nhất từ trước tới nay
Cụ thể, với mức lương cơ sở là 1,6 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7/2020 thì lương cơ sở năm 2020 là mức lương cao nhất từ trước đến nay (hiện tại là 1.490.000 đồng/tháng). Như vậy, lương cơ sở 2020 sẽ cao hơn mức lương cơ sở hiện tại là 110.000 đồng/tháng, đây cũng là mức tăng cao nhất trong những năm gần đây (mức tăng của các năm trước chỉ từ 60.000 đồng/tháng đến 100.000 đồng/tháng).
Mức lương cơ sở này được dùng làm căn cứ để:
- Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật;
- Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;
- Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Với việc tăng lương cơ sở này, mức lương hưởng hàng tháng và các khoản khoản phụ cấp tính theo lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ được tăng lên tương ứng.
2. Lương cơ sở năm 2020 là mức lương cơ sở cuối cùng được áp dụng
Cụ thể, theo Mục 3.1.c Phần II Nghị quyết 27-NQ/TW, từ năm 2021 sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới. Theo đó, năm 2020 sẽ là năm cuối cùng cán bộ, công chức, viên chức nhận lương theo hệ số, cũng là năm cuối cùng áp dụng lương cơ sở.
Từ năm 2021, lương của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tính căn cứ theo nhiều yếu tố trong đó có yếu tố là mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
Nguyễn Trinh
- Từ khóa:
- Lương cơ sở