Đây là nội dung đáng chú ý tại Quyết định 1065/QĐ-BNV công bố 04 thủ tục hành chính về thi tuyển, xét tuyển công chức. Theo đó, Quyết định này hướng dẫn cụ thể thủ tục thi nâng ngạch công chức theo Nghị định 138/2020/NĐ-CP.
- Điều động công chức giữ chức vụ lãnh đạo phải bảo lưu phụ cấp chức vụ trong 06 tháng
- Điều kiện tiếp nhận cán bộ xã vào công chức mới nhất 2021
- Các đối tượng được xét tuyển công chức từ năm 2021
- Hướng dẫn đăng ký dự tuyển công chức kèm Mẫu phiếu đăng ký mới nhất
Hướng dẫn chi tiết thủ tục thi nâng ngạch công chức (mới nhất) (Ảnh minh họa)
Cụ thể, Quyết định 1065/QĐ-BNV hướng dẫn thủ tục thi nâng ngạch công chức theo Nghị định 138/2020/NĐ-CP như sau:
1. Trình tự thực hiện thủ tục thi nâng ngạch công chức
Thủ tục thi nâng ngạch công chức được thực hiện thông qua 07 bước sau đây:
Bước 1: Căn cứ, nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện dự thi nâng ngạch công chức (Điều 30 Nghị định 138/2020/NĐ-CP)
-
Việc nâng ngạch công chức phải căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu ngạch công chức của cơ quan sử dụng công chức đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
-
Căn cứ vào số lượng chỉ tiêu nâng ngạch của cơ quan, tổ chức sử dụng công chức đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan quản lý công chức có trách nhiệm rà soát, xác định và lập danh sách công chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi nâng ngạch.
Bước 2: Xây dựng Đề án thi nâng ngạch công chức
Theo quy định tại Điều 34 Nghị định 138/2020/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch công chức phải xây dựng Đề án thi nâng ngạch công chức, gửi Bộ Nội vụ (đối với các cơ quan nhà nước) hoặc Ban Tổ chức Trung ương (đối với các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội) để có ý kiến trước khi tổ chức theo thẩm quyền.
Bước 3: Tổ chức thi nâng ngạch công chức
Căn cứ theo Điều 32 Nghị định 138/2020/NĐ-CP, việc tổ chức thi nâng ngạch công chức bao gồm:
- Thi nâng ngạch công chức từ ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương;
- Thi nâng ngạch từ ngạch chuyên viên hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương;
- Thi nâng ngạch từ ngạch nhân viên hoặc tương đương lên ngạch cán sự hoặc tương đương; từ ngạch cán sự hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên hoặc tương đương.
Lưu ý: Bộ Nội vụ ban hành Nội quy, Quy chế tổ chức kỳ thi nâng ngạch công chức; chủ trì xây dựng và cung cấp ngân hàng câu hỏi, đáp án thi môn kiến thức chung cho các kỳ thi nâng ngạch công chức.
Bước 4: Môn thi, hình thức, thời gian thi nâng ngạch
Theo Điều 37 Nghị định 138/2020/NĐ-CP, thi nâng ngạch công chức được thực hiện như sau:
- Môn kiến thức chung: Thi trắc nghiệm; 60 câu hỏi về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; công chức, công vụ; chức trách, nhiệm vụ của công chức theo yêu cầu của ngạch dự thi; Thời gian thi trong 60 phút.
- Môn ngoại ngữ: Thi trắc nghiệm; 30 câu hỏi về một trong năm thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc theo yêu cầu của ngạch dự thi do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch quyết định; Thời gian thi trong 30 phút.
- Môn tin học: Thi trắc nghiệm; 30 câu hỏi theo yêu cầu của ngạch dự thi; Thời gian thi trong 30 phút.
- Môn chuyên môn, nghiệp vụ:
-
Đối với nâng ngạch lên ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương: Thi viết đề án, thời gian tối đa 08 tiếng và thi bảo vệ đề án, thời gian tối đa 30 phút; nội dung thi theo yêu cầu của ngạch dự thi. Thi viết đề án và thi bảo vệ đề án được chấm với thang điểm 100 cho mỗi bài thi;
-
Đối với nâng ngạch lên ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương: Thi viết, thời gian 180 phút; nội dung thi theo yêu cầu của ngạch dự thi; thang điểm 100;
-
Đối với nâng ngạch lên ngạch cán sự hoặc tương đương; ngạch chuyên viên hoặc tương đương: Thi viết, thời gian 120 phút; nội dung thi theo yêu cầu của ngạch dự thi; thang điểm 100.
Bước 5: Xác định người trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch (Điều 38 Nghị định 138/2020/NĐ-CP)
Có số câu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên cho từng môn thi kiến thức chung, ngoại ngữ và tin học.
Có kết quả điểm bài thi môn chuyên môn, nghiệp vụ đạt từ 50 điểm trở lên, chuyên viên cao cấp hoặc tương đương thì phải đạt từ 100 điểm trở lên (trong đó điểm bài thi viết đề án và bài thi bảo vệ đề án phải đạt từ 50 điểm trở lên của mỗi bài thi) và lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu nâng ngạch được giao.
Lưu ý: Trường hợp có từ 02 người trở lên có tổng kết quả điểm bài thi môn chuyên môn, nghiệp vụ bằng nhau ở chỉ tiêu nâng ngạch cuối cùng thì thứ tự ưu tiên trúng tuyển.
Bước 6: Thông báo kết quả thi nâng ngạch (Điều 39 Nghị định 138/2020/NĐ-CP)
Bước 7: Bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với công chức trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch (Điều 40 Nghị định 138/2020/NĐ-CP)
Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày nhận được danh sách công chức trúng tuyển trong kỳ thi nâng ngạch, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức ra quyết định bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với công chức trúng tuyển theo quy định.
2. Cách thức thức thực hiện thủ tục thi nâng ngạch công chức
- Nộp trực trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch sau đây:
-
Bộ Nội vụ chủ trì tổ chức thi nâng ngạch công chức từ ngạch chuyên viên chính lên ngạch chuyên viên cao cấp trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước;
-
Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức thi nâng ngạch công chức từ ngạch chuyên viên chính lên ngạch chuyên viên cao cấp trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam và của các tổ chức chính trị - xã hội;
-
Cơ quan quản lý ngạch công chức chuyên ngành của Đảng chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương; các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngạch công chức chuyên ngành chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức kỳ thi nâng ngạch công chức chuyên ngành tương đương ngạch chuyên viên chính lên ngạch công chức chuyên ngành tương đương ngạch chuyên viên cao cấp;
-
Cơ quan quản lý công chức chủ trì thi nâng ngạch ngạch từ ngạch nhân viên lên ngạch cán sự hoặc tương đương; từ ngạch nhân viên, cán sự hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên hoặc tương đương; từ ngạch chuyên viên hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương.
- Qua đường công văn.
Thành phần hồ sơ bao gồm:
-
Sơ yếu lý lịch công chức theo quy định hiện hành được lập chậm nhất là 30 ngày trước thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ dự thi nâng ngạch, có xác nhận của cơ quan quản lý, sử dụng công chức;
-
Bản nhận xét, đánh giá của người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng công chức về các tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi theo quy định;
-
Bản sao văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của ngạch dự thi; (Trường hợp công chức có bằng tốt nghiệp chuyên môn đã chuẩn đầu ra về ngoại ngữ hoặc tin học theo quy định mà tương ứng với yêu cầu của ngạch dự thi thì không phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học)
-
Các yêu cầu khác theo quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch công chức dự thi.
Phí dự thi nâng ngạch công chức:
- Nâng ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương:
-
Dưới 50 thí sinh: 1.400.000 đồng/thí sinh/lần dự thi;
-
Từ 50 đến dưới 100 thí sinh: 1.300.000 đồng/thí sinh/lần dự thi;
-
Từ 100 thí sinh trở lên: 1.200.000 đồng/thí sinh/lần dự thi.
- Nâng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính và tương đương:
-
Dưới 100 thí sinh: 700.000 đồng/thí sinh/lần dự thi;
-
Từ 100 đến dưới 500 thí sinh: 600.000 đồng/thí sinh/lần dự thi;
-
Từ 500 trở lên: 500.000 đồng/thí sinh/lần dự thi.
- Phúc khảo: 150.000 đồng/bài thi.
3. Yêu cầu, điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính thi nâng ngạch công chức
Khoản 3 Điều 30 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định công chức được đăng ký dự thi nâng ngạch khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:
-
Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật;
-
Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch công chức hiện giữ trong cùng ngành chuyên môn;
-
Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch dự thi;
-
Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu đối với từng ngạch công chức quy định tại tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch dự thi;
Lưu ý: Cơ quan quản lý công chức chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện của công chức được cử tham dự kỳ thi nâng ngạch và lưu giữ, quản lý hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch của công chức theo quy định của pháp luật.
Ty Na