Hướng dẫn công chức, viên chức, NLĐ hưởng trọn lương hưu khi chưa đủ điều kiện

Theo tôi được biết thì để được hưởng trọn tỷ lệ lương hưu khi nghỉ hưu thì người lao động cần phải đảm bảo các điều kiện luật định. Vậy trong trường hợp người lao động không thể đảm bảo đầy đủ các điều kiện đó thì có cách nào để họ vẫn có thể được nhận quyền lợi cao nhất?

Ảnh minh họa

Theo quy định hiện hành, để được hưởng trọn tỷ lệ lương hưu khi nghỉ hưu thì người lao động cần phải đảm bảo đồng thời cả 2 điều kiện về tuổi nghỉ hưu và về số năm đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khi nghỉ hưu phải có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và có đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ. Trường hợp người lao động nghỉ hưu trước độ tuổi quy định thì sẽ bị trừ tỷ lệ lương hưu với mức 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định có 05 trường hợp mà theo đó, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có thể được nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu nhưng phải đáp ứng các điều kiện nhất định.

Xem chi tiết 05 trường hợp nghỉ hưu trước tuổi vẫn hưởng nguyên lương hưu TẠI ĐÂY.

Vấn đề đặt ra ở đây là, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chưa đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định, đồng thời cũng không thuộc 5 trường hợp được nghỉ hưu trước tuổi nêu trên thì phải làm gì để có thể hưởng trọn tỷ lệ lương hưu khi nghỉ hưu? Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT xin giải đáp vấn đề này theo từng trường hợp cụ thể như sau:

1. Trường hợp người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ năm đóng BHXH

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP và Điều 8 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH, thì trong trường hợp này, nếu NLĐ muốn nhận lương hưu, NLĐ cần đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu nhưng không quá 10 năm.

Trường hợp NLĐ đã đủ tuổi nghỉ hưu mà thời gian đã đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì có thể tiếp tục đóng BHXH tự nguyện cho đến khi thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm theo một trong các phương thức:

  • Đóng hằng tháng;

  • Đóng 03 tháng một lần;

  • Đóng 06 tháng một lần;

  • Đóng 12 tháng một lần;

  • Hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần.

Sau đó, đóng 1 lần cho những năm còn thiếu (không quá 10 năm) để hưởng lương hưu.

2. Trường hợp người lao động đủ năm đóng BHXH nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu

Trong trường hợp này, nếu NLĐ không muốn nhận BHXH một lần thì có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH đến khi đủ tuổi nghỉ hưu và làm thủ tục hồ sơ theo quy định để được hưởng chế độ hưu trí.

Với những trường hợp đã bảo lưu BHXH nhưng lại đi làm trở lại và vẫn chưa đến độ tuổi nghỉ hưu (thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc) thì thời gian công tác có đóng BHXH sau này được cộng nối với thời gian tham gia BHXH bảo lưu trước đó để tính hưởng chế độ BHXH.

Lưu ý, người lao động chỉ được nhận bảo hiểm xã hội một lần trong những trường hợp sau:

- Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật bảo hiểm xã hội 2014 mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật bảo hiểm xã hội 2014 mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

- Ra nước ngoài để định cư;

- Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

- Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật bảo hiểm xã hội 2014 khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

3. Trường hợp người lao động chưa đủ tuổi nghỉ hưu và chưa đủ năm đóng BHXH

Trường hợp này để được hưởng lương hưu, NLĐ cần bảo lưu thời gian đóng BHXH theo quy định tại Điều 61 Luật bảo hiểm xã hội 2014 đồng thời đóng BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm đóng BHXH theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP.

Lưu ý: Từ năm 2021, điều kiện hưởng lương hưu của người lao động sẽ được chiết chặt hơn. Cụ thể, theo Điểm a, Khoản 1, Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 sửa đổi Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì từ năm 2021, người lao động phải có đủ 20 năm đóng BHXH; nam đủ 60 tuổi 3 tháng; nữ đủ 55 tuổi 4 tháng, sau đó mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam; 4 tháng với nữ để đến năm 2028, nam nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi và năm 2035, nữ nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi.

Nguyễn Trinh 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
4859 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;