Hướng dẫn 02-HD/UBKTTW thực hiện Quy định 86 về giám sát trong Đảng

Ngày 12/9/2017, Ủy ban Kiểm tra BCH Trung ương ban hành Hướng dẫn 02-HD/UBKTTW thực hiện Điều 4, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13 và Điều 14 Quy định 86-QĐ/TW của Bộ Chính trị về giám sát trong Đảng.

 

Hướng dẫn 02

Nội dung hướng dẫn

ĐIỀU 4.
Chế độ giám sát

Điểm b, Khoản 1: Xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch giám sát tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên

Hằng năm, chủ thể giám sát căn cứ yêu cầu nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng và phương hướng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng cấp trên để xây dựng phương hướng, nhiệm vụ giám sát của cấp mình; xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát và thông báo cho đối tượng giám sát biết.

Điểm c, Khoản 1: Hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác giám sát thường xuyên và giám sát theo chương trình, kế hoạch

Chủ thể giám sát phân công và thông báo bằng văn bản tới thành viên cấp ủy, Ủy ban kiểm tra (UBKT), cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và cán bộ theo dõi lĩnh vực, địa bàn thực hiện việc giám sát thường xuyên theo Khoản 1, Điều 11, Quy định 86-QĐ/TW bằng phương pháp giám sát trực tiếp và giám sát gián tiếp.

ĐIỀU 10.
Phương pháp giám sát

Điểm a, Khoản 1: BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; cấp ủy các cấp, ban thường vụ cấp ủy từ cấp cơ sở trở lên giám sát trực tiếp bằng cách: Cử thành viên cấp mình dự các cuộc họp, hội nghị của đối tượng giám sát

  • Cấp ủy viên được cử dự họp căn cứ lịch công tác, giấy mời của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và tài liệu có liên quan để nghiên cứu, chuẩn bị cho việc giám sát.
  • Tại cuộc họp, cấp ủy viên được giao một số nhiệm vụ như: theo dõi việc thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn; góp ý với đối tượng giám sát...
  • Báo cáo bằng văn bản để cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy xem xét, đánh giá, yêu cầu đối tượng được giám sát khắc phục những vấn đề còn tồn tại, hạn chế.

Điểm b, Khoản 1: UBKT các cấp giám sát trực tiếp bằng cách

Thành viên UBKT dự các cuộc họp của cấp ủy cùng cấp

  • Tại kỳ họp cấp ủy cùng cấp, được tham gia ý kiến về báo cáo và các vấn đề liên quan đến nội dung cuộc họp; theo dõi việc thảo luận, chất vấn và các kết luận trong hội nghị.
  • Phát hiện các vấn đề qua chất vấn, thảo luận, nghiên cứu tài liệu của cuộc họp cấp ủy cùng cấp; báo cáo UBKT khi cần thiết.
  • UBKT xem xét, báo cáo, kiến nghị với cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cùng cấp những vấn đề cần thiết (nếu có).

Thành viên UBKT phụ trách và cán bộ kiểm tra thường xuyên theo dõi lĩnh vực, địa bàn, dự các cuộc họp, hội nghị của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới 

  • Thu thập thông tin, tài liệu;
  • Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo thường trực UBKT về tình hình tổ chức đảng và đảng viên;
  • Khi phát hiện đối tượng giám sát có dấu hiệu vi phạm thì báo cáo thường trực UBKT hoặc UBKT.

Điểm d, Khoản 1: Chi bộ giám sát trực tiếp bằng cách

Theo dõi, đôn đốc đảng viên thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao

  • Chi ủy viên được phân công phụ trách công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, kết quả về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đảng viên; nếu thấy đảng viên có thiếu sót, khuyết điểm thì đề nghị đảng viên khắc phục.
  • Nếu vấn đề phức tạp, cần báo cáo giải trình thì chi ủy viên báo cáo chi ủy xem xét, đề nghị đảng viên đó làm báo cáo giải trình với chi ủy hoặc chi bộ.
  • Qua xem xét, nếu vấn đề đã rõ thì chi ủy nhắc nhở, đề nghị đảng viên được giám sát khắc phục và báo cáo kết quả với chi bộ.
  • Trường hợp không thuộc thẩm quyền thì chi ủy báo cáo chi bộ xem xét tại cuộc họp của chi bộ.

Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình; bình xét, phân tích, đánh giá chất lượng đảng viên

  • Chi ủy, trước hết là bí thư chi bộ thường xuyên nắm tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ đảng viên, ưu điểm, khuyết điểm của đảng viên.
  • Tại cuộc họp chi bộ:
    • Từng đảng viên báo cáo, tự phê bình và phê bình
    • Chi bộ tham gia góp ý cho từng đảng viên được giám sát về ưu điểm, thiếu sót, khuyết điểm.
  • Trường hợp có vấn đề cần làm rõ, chi bộ yêu cầu đảng viên báo cáo cụ thể để chi bộ xem xét, nhắc nhở đảng viên khắc phục thiếu sót, khuyết điểm; nếu vẫn chưa rõ thì báo cáo cấp trên hoặc tiến hành kiểm tra

ĐIỀU 11.
Hình thức giám sát

Khoản 1: Giám sát thường xuyên

Điểm a: Thông báo cho đối tượng giám sát biết về thành viên của cấp ủy, UBKT, các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy hoặc cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ giám sát:

Đầu nhiệm kỳ hoặc khi có sự thay đổi, chủ thể giám sát phải thông báo bằng văn bản việc phân công cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy, ủy viên UBKT, cán bộ kiểm tra và lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên của các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy được giao nhiệm vụ giám sát thường xuyên cho đối tượng giám sát.

Khoản 2: Giám sát theo chuyên đề

Điểm a: Xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát hằng năm và thông báo cho đối tượng giám sát

Trong chương trình, kế hoạch giám sát, chủ thể giám sát xác định rõ nội dung, đối tượng, phương pháp tiến hành giám sát, tổ chức lực lượng, phân công tổ chức, cá nhân thực hiện.

Điểm b: Thành lập đoàn hoặc tổ giám sát (gọi chung là đoàn giám sát); ban hành kế hoạch giám sát cụ thể đối với tổ chức đảng hoặc đảng viên

  • Kế hoạch giám sát cụ thể đối với tổ chức đảng hoặc đảng viên phải nêu rõ nội dung, đối tượng giám sát, phương pháp, mốc thời điểm, thời gian giám sát. Thời gian giám sát được tính từ ngày chủ thể giám sát nhận được báo cáo theo gợi ý giám sát của đối tượng giám sát. Thời gian tối đa là:
    • Cấp Trung ương: 45 ngày làm việc;
    • Cấp tỉnh: 30 ngày làm việc;
    • Cấp huyện; 25 ngày làm việc;
    • Cấp cơ sở: 20 ngày làm việc.

Chủ thể giám sát có thể quyết định gia hạn thời gian giám sát nhưng không quá 1/3 thời gian giám sát đối với từng cấp trong trường hợp đặc biệt.

  • Chủ thể giám sát thông báo quyết định, kế hoạch giám sát chuyên đề cho đối tượng giám sát biết trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định giám sát.

Điểm d: Đoàn giám sát nghiên cứu, xem xét các báo cáo, tài liệu; làm việc với các tổ chức, cá nhân có liên quan; chuẩn bị dự thảo báo cáo kết quả giám sát

Khi đoàn giám sát nhận thấy còn có nội dung giám sát chưa rõ, chưa đủ cơ sở để xem xét, đánh giá thì trưởng đoàn giám sát quyết định việc thẩm tra, xác minh.

Điểm e: Thông báo kết quả giám sát bằng văn bản đến tổ chức đảng, đảng viên được giám sát và tổ chức, cá nhân có liên quan

  • Đại diện chủ thể giám sát thông báo kết quả giám sát.
  • Nếu đối tượng giám sát có dấu hiệu vi phạm thì chủ thể giám sát xem xét quyết định kiểm tra theo thẩm quyền hoặc đề nghị UBKT tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.

ĐIỀU 12.
Xử lý kết quả
giám sát

 

Khoản 1: BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; cấp ủy các cấp, ban thường vụ cấp ủy từ cấp trên cơ sở trở lên

Điểm a: Kịp thời nhắc nhở, lưu ý, cảnh báo bằng các hình thức thích hợp theo thẩm quyền với đối tượng giám sát về những vấn đề cần thiết

  • Chủ thể giám sát gửi văn bản cho tổ chức đảng, đảng viên được giám sát để lưu ý, nhắc nhở, cảnh báo hoặc yêu cầu thực hiện những vấn đề cần thiết.
  • Cấp ủy viên, thành viên UBKT, đảng viên được chủ thể giám sát phân công phụ trách, theo dõi lĩnh vực, địa bàn được gặp, trao đổi với đại diện tổ chức đảng hoặc đảng viên được giám sát.

ĐIỀU 13.
Thẩm quyền và trách nhiệm của chủ thể giám sát

 

Khoản 1: Thẩm quyền của chủ thể giám sát

Điểm c: Yêu cầu đối tượng giám sát, các tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, trả lời, trao đổi về những nội dung liên quan đến việc giám sát; yêu cầu tổ chức đảng quản lý đối tượng giám sát phối hợp thực hiện

  • Đoàn giám sát được yêu cầu đối tượng giám sát báo cáo, trả lời, cung cấp văn bản, tài liệu phục vụ việc giám sát; tổ chức đảng quản lý đối tượng giám sát phối hợp thực hiện; yêu cầu hoặc đề nghị tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ việc giám sát.
  • Đảng viên được giao nhiệm vụ giám sát được yêu cầu hoặc đề nghị đối tượng giám sát, các tổ chức đảng và đảng viên có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu hoặc trả lời theo yêu cầu giám sát.

Điểm d: Qua giám sát, chủ thể giám sát nhận xét, đánh giá về ưu điểm, thiếu sót, khuyết điểm và nguyên nhân; rút kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; bổ sung, sửa đổi, nhắc nhở, cảnh báo, kiến nghị những vấn đề cần thiết

Qua giám sát, chủ thể giám sát yêu cầu đối tượng giám sát sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm, khắc phục hậu quả (nếu có).

Khoản 2: Trách nhiệm của chủ thể giám sát

Điểm a: Thực hiện việc giám sát thường xuyên, giám sát theo chương trình, kế hoạch và giữ bí mật về nội dung thông tin, tài liệu, cá nhân có liên quan đến việc giám sát; phát ngôn, thông tin theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước

  • Công tâm, khách quan; báo cáo và chịu trách nhiệm trước tổ chức đảng có thẩm quyền về kết quả giám sát của mình.
  • Đoàn giám sát, đảng viên được giao thực hiện nhiệm vụ giám sát có trách nhiệm báo cáo kết quả giám sát bằng văn bản với chủ thể giám sát; lập và quản lý hồ sơ theo quy định.

ĐIỀU 14.
Trách nhiệm và quyền của đối tượng giám sát

Khoản 1: Trách nhiệm của đối tượng giám sát

Điểm a: Chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng, của cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên và cấp ủy cấp mình về công tác giám sát Chấp hành các yêu cầu, quyết định của chủ thể giám sát hoặc của tổ chức đảng có thẩm quyền

Đối tượng giám sát gửi trước cho chủ thể giám sát lịch công tác, giấy mời (kèm theo văn bản, tài liệu) các cuộc họp, hội nghị của tổ chức mình để chủ thể giám sát cử cán bộ tham dự.

 
Xem chi tiết tại Hướng dẫn 02-HD/UBKTTW.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
4687 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;