Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) vừa ban hành Dự thảo Quyết định về ban hành Quy chế tuyển dụng, tiếp nhận, điều động công chức làm công tác chuyên môn (không giữ chức danh lãnh đạo, quản lý) tại các đơn vị quản lý Nhà nước thuộc Bộ LĐ-TBXH
Dự thảo Quyết định nêu rõ phương thức tuyển dụng và đối tượng áp dụng được quy định như Điều 4 Thông tư 13/2010/TT-BNV về hướng dẫn tuyển dụng và nâng ngạch công chức như sau:
Việc tuyển dụng công chức vào đơn vị quản lý Nhà nước thuộc Bộ thực hiện thông qua hai phương thức: thi tuyển và tiếp nhận không qua thi tuyển với các đối tượng:
- Công chức loại D (ngạch nhân viên, cán sự hoặc tương đương) thực hiện theo phương thức thi tuyển;
- Công chức loại C (ngạch chuyên viên hoặc tương đương) thực hiện theo phương thức thi tuyển hoặc tiếp nhận không qua thi tuyển;
- Công chức loại B (ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương) và công chức loại A (ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương) thực hiện theo quy trình tiếp nhận không qua thi tuyển.
Bộ LĐTB-XH có thẩm quyền quyết định việc tuyển dụng, tiếp nhận và điều động công chức vào làm việc tại Vụ, Văn phòng Bộ và Thanh tra Bộ, Tổng cục, Cục.
Điều kiện đăng ký thi tuyển công chức
Công chức đăng ký dự tuyển công chức phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Có đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức 2008
- Đơn vị sử dụng công chức đề xuất điều kiện theo yêu cầu của vị trí cần tuyển trên cơ sở bản mô tả công việc gắn với chuyên ngành đào tạo, các kỹ năng, kinh nghiệm theo yêu cầu tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch công chức của vị trí dự tuyển.
- Được Bộ LĐTB-XH xem xét, đánh giá và ra quyết định tuyển dụng.
Trường hợp không được đăng ký dự tuyển công chức:
- Người không cư trú tại Việt Nam;
- Người bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự;
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh.
- Trong quá trình tuyển dụng công chức có quy định về ưu tiên tuyển dụng đối với các đối tượng và điểm ưu tiên thực hiện tại Điều 5 Nghị định 24/2010/NĐ-CP.
Hồ sơ đăng ký dự tuyển được quy định như tại Thông tư 13/2010/TT-BNV. Bao gồm:
- Đơn đăng ký dự tuyển công chức theo mẫu (Phụ lục số 1 Thông tư 13);
- Bản sơ yếu lý lịch tự thuật có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển;
- Bản sao giấy khai sinh;
- Bản chụp các văn bằng, chứng chỉ và kết quả học tập theo yêu cầu của vị trí dự tuyển;
- Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển;
- Giấy chứng nhận thuộc đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng công chức (nếu có) được cơ quan có thẩm quyền chứng thực.
Quy định về môn thị, nội dung và hình thức thi; điều kiện miễn thi; cách tính điểm và xác định người trúng tuyển được thực hiện theo Điều 8 đến Điều 11 Nghị định 24/2010/NĐ-CP.
Lưu ý là người không trúng tuyển sẽ không được bảo lưu kết quả cho các kì thi tuyển lần sau.
Kế hoạch thi tuyển hằng năm được trình lên Bộ chậm nhất trước ngày 30/3 hằng năm, qua đó Bộ sẽ xem xét, phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Một số lưu ý trong hình thức thi tuyển công chức
- Đối với môn thi theo hình thức viết, trắc nghiệm: Mỗi phòng bố trí tối đa 50 thí sinh, mỗi thí sinh ngồi một bàn hoặc ngồi cách nhau ít nhất 1 mét.
- Đối với môn thi theo hình thức vấn đáp, phòng thi được bố trí bàn cho các thí sinh chuẩn bị trả lời sau khi bốc thăm ngẫu nhiên câu hỏi và bàn để hỏi thi vấn đáp.
- Đối với môn thi theo hình thức thực hành, phòng thi được bố trí phù hợp với yêu cầu của nội dung thực hành (máy, phòng thí nghiệm,…)
Thông báo kết quả trúng tuyển, tuyển dụng
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả tuyển dụng của Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ gửi thông báo công nhận kết quả trúng tuyển tới người dự tuyển theo địa chỉ mà người dự tuyển đã đăng ký.
- Trong thời hạn chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo công nhận kết quả trúng tuyển, người trúng tuyển phải đến Vụ tổ chức cán bộ để hoàn thiện hồ sơ dự tuyển trước khi nhận quyết định tuyển dụng.
- Sau khi người trúng tuyển hoàn thiện hồ sơ, trong thời hạn 15 ngày, Bộ trưởng ủy quyền cho Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ ký quyết định tuyển dụng đối người trúng tuyển.
- Trong thời hạn chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định tuyển dụng, người được tuyển dụng vào công chức phải đến đơn vị tuyển dụng nhận việc, trừ trường hợp quyết định tuyển dụng quy định thời hạn khác.
- Trường hợp sau thời hạn quy định mà người được tuyển dụng không đến nhận việc (không có lý do chính đáng hay có đơn xin gia hạn) thì Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ có thể ký quyết định hủy bỏ quyết định tuyển dụng và xem xét tuyển dụng người có kết quả tuyển dụng thấp hơn liền kề.
Chế độ tập sự của công chức được tuyển dụng
Dự thảo Quyết định quy định người được tuyển dụng vào công chức phải thực hiện chế độ tập sự như sau:
- 12 tháng đối với công chức loại C;
- 06 tháng đối với công chức loại D;
Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, nghỉ ốm đau, nghỉ tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác không được tính vào thời gian tập sự.
Chế độ lương cho người tập sự
- Người tập sự được hưởng 85% mức lương bậc 1 của ngạch tuyển dụng;
- Người tập sự có trình độ thạc sĩ phù hợp với yêu cầu tuyển dụng thì được hưởng 85% mức lương bậc 2 của ngạch tuyển dụng;
- Người tập sự có trình độ tiến sĩ phù hợp với yêu cầu tuyển dụng thì được hưởng 85% mức lương bậc 3 của ngạch tuyển dụng;
Xem thêm quy định về tuyển dụng công chức bằng hình thức tiếp nhận không qua thi tuyển tại Dự thảo Quyết định.
- Từ khóa:
- Thi tuyển công chức
- Dự thảo Quyết định