Điều tra viên là ai? Tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch Điều tra viên

Xin cho tôi hỏi các tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch Điều tra viên được quy định thế nào? - Thanh Viên (Bình Thuận)

Điều tra viên là ai? Tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch Điều tra viên

Điều tra viên là ai? Tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch Điều tra viên (Hình từ Internet)

1. Điều tra viên là ai?

Theo khoản 1 Điều 45 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, điều tra viên là người được bổ nhiệm để làm nhiệm vụ Điều tra hình sự.

Cụ thể, điều tra viên gồm có các ngạch sau đây:

- Điều tra viên sơ cấp;

- Điều tra viên trung cấp;

- Điều tra viên cao cấp.

(Khoản 1 Điều 45 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015)

2. Tiêu chuẩn chung của Điều tra viên

Cụ thể tại Điều 46 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, tiêu chuẩn chung của Điều tra viên được quy định như sau:

- Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

- Có trình độ đại học An ninh, đại học Cảnh sát hoặc cử nhân luật trở lên.

- Có thời gian làm công tác pháp luật theo quy định Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015.

- Đã được đào tạo về nghiệp vụ Điều tra.

- Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

3. Tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch Điều tra viên

3.1. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên sơ cấp

Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại mục 2, là sĩ quan Công an nhân dân tại ngũ, sĩ quan Quân đội nhân dân tại ngũ, cán bộ Viện kiểm sát nhân dân và có đủ các điều kiện được quy định tại Điều 47 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 thì có thể được bổ nhiệm làm Điều tra viên sơ cấp:

- Có thời gian làm công tác pháp luật từ 04 năm trở lên;

- Có năng lực Điều tra các vụ án thuộc loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng;

- Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên sơ cấp.

3.2. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên trung cấp

Theo Điều 48 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại mục 2 và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Điều tra viên trung cấp:

(i) Đã là Điều tra viên sơ cấp ít nhất là 05 năm;

(ii) Có năng lực Điều tra các vụ án thuộc loại tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;

(iii) Có khả năng hướng dẫn các hoạt động Điều tra của Điều tra viên sơ cấp;

(iv) Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên trung cấp.

Trường hợp do nhu cầu cán bộ của Cơ quan Điều tra, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại mục 2, các điểm (ii), (iii), (iv), đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 09 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm làm Điều tra viên trung cấp.

3.3. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên cao cấp

Tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên cao cấp ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn chung tại mục 2 thì cá nhân cần có đủ các điều kiện được quy định tại Điều 49 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, cụ thể như sau:

- Đã là Điều tra viên trung cấp ít nhất 05 năm;

- Có năng lực Điều tra các vụ án thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp;

- Có khả năng nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất biện pháp phòng, chống tội phạm;

- Có khả năng hướng dẫn các hoạt động Điều tra của Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp;

- Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên cao cấp.

Trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của Cơ quan Điều tra, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại mục 2, các điểm b, c, d và đ Khoản 1 Điều 49 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 14 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm làm Điều tra viên cao cấp.

4. Những việc Điều tra viên không được làm

Theo Điều 54 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, những việc Điều tra viên không được làm bao gồm:

- Những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức hoặc cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân không được làm.

- Tư vấn cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không đúng quy định của pháp luật.

- Can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án, vụ việc.

- Đưa hồ sơ, tài liệu vụ án, vụ việc ra khỏi cơ quan nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc - Tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án, vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết ngoài nơi quy định.

Thanh Rin

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2978 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;