Pháp luật quy định, người có hành vi đánh nhau sẽ bị xử phạt hành chính và tùy theo mức độ, hậu quả gây ra có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy, trường hợp đảng viên đánh nhau với người khác thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Đảng viên đánh nhau với người khác sẽ bị xử lý như thế nào? (Ảnh minh họa)
Đảng viên đánh nhau có thể bị khai trừ ra khỏi Đảng
Theo quy định tại Điều 33 Quy định 102-QĐ/TW năm 2017, đảng viên có hành vi quậy phá, gây gỗ, đánh nhau hoặc có hành vi thiếu văn hóa làm mất an ninh, trật tự công cộng sẽ bị xử lý kỷ luật như sau:
- Đảng viên vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách;
- Trường hợp Đảng viên vi phạm đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ);
- Trường hợp Đảng viên vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng:
-
Trả thù, trù dập người phát hiện, báo tin, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình;
-
Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc có hành vi khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên trong gia đình hoặc người có công nuôi dưỡng mình.
Bên cạnh đó, tại Khoản 2a Điều 5 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên, đảng viên có hành vi quậy phá, gây gỗ, đánh nhau với người khác hoặc có hành vi thiếu văn hóa làm mất an ninh, trật tự công cộng sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng, tùy vào mức độ và hậu quả hành vi quậy phá, gây gỗ, đánh nhau mà đảng viên sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức kỷ luật khác nhau. Tuy nhiên, đảng viên quậy phá, gây gỗ, đánh nhau người khác gây ra hậu quả rất nghiêm trọng hoặc hành hạ ngược đãi, đánh đập, có hành vi khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên trong gia đình hoặc người có công nuôi dưỡng mình sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng. Đồng thời, đảng viên có hành vi quậy phá, gây gỗ, đánh nhau với người khác sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính.
Đảng viên đánh nhau có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Bên cạnh việc xử lý lý kỷ luật theo quy định của Đảng và xử phạt hành chính, đảng viên có hành vi đánh nhau, gây gỗ với người khác thì tuỳ theo mức độ vi phạm còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định đảng viên sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
-
Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
-
Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
-
Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
-
Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
-
Có tổ chức;
-
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
-
Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
-
Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
-
Có tính chất côn đồ;
-
Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
Ngoài ra, đảng viên cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể trên từ 31% trở lên hoặc làm chết người sẽ bị phạt từ 02 năm đến 14 năm tù.
Như vậy, theo quy định trên, tùy vào mức độ thương tật của nạn nhân mà đảng viên sẽ chịu trách nhiệm hình sự khác nhau như phạt cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù. Đồng thời, đảng viên có thể bị phạt tù đến 14 năm nếu đánh nhau gây ra chết người.
Ty Na
- Từ khóa:
- Đảng viên