CBCCVC và người lao động sử dụng giấy khám sức khỏe giả sẽ bị đuổi việc

Giấy khám sức khỏe là một trong những giấy tờ yêu cầu cần có khi nộp hồ sơ xin việc hoặc nộp hồ sơ bổ nhiệm. Trường hợp CBCCVC và người lao động sử dụng giấy khám sức khỏe giả để nộp hồ sơ thì sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

sử dụng giấy khám sức khỏe giả

CBCCVC và người lao động sử dụng giấy khám sức khỏe giả sẽ bị đuổi việc (Ảnh minh họa)

Theo quy định tại Thông tư 14/2013/TT-BYT, trình tự, thủ tục khám sức khỏe của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được quy định như sau:

  • Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nộp Giấy khám sức khỏe theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 14/2013/TT-BYT tại cơ sở khám sức khỏe, có dán ảnh chân dung cỡ 04cm x 06cm, được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 (sáu) tháng tính đến ngày nộp hồ sơ khám sức khỏe.

  • Cơ sở khám sức khỏe đối chiếu với hồ sơ khám sức khỏe, đóng dấu giáp lai vào ảnh sau khi đã thực hiện việc đối chiếu và hướng dẫn quy trình khám sức khỏe.

  • Căn cứ vào kết quả khám của từng chuyên khoa, người được cơ sở khám sức khỏe phân công thực hiện việc kết luận phân loại sức khỏe và ký Giấy khám sức khỏe. Giấy khám sức khỏe được cấp 01 (một) bản cho người được khám sức khỏe trong vòng 24 giờ kể từ khi kết thúc việc khám sức khỏe và có giá trị trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký kết luận sức khỏe.

Trên đây là trình tự, thủ tục khám sức khỏe của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có nhu cầu khám sức khỏe. Trong trường hợp thực hiện khám sức khỏe không đúng theo trình tự, thủ tục khám sức khỏe nêu trên hoặc không đến khám sức khỏe thực tế mà mua giấy khám sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp với con dấu và chữ ký chính xác thì được xem là giấy khám sức khỏe giả. Và theo quy định hiện hành, khi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sử dụng giấy khám sức khỏe giả sẽ bị xử lý kỷ luật như buộc thôi việc, không tiếp tục bổ nhiệm hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, tại Điều 12 và Điều 13 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định, áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý khi sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm vào chức vụ; áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đồng thời, tại Điều 18 và Điều 19 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với viên chức quản lý khi sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ và áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với viên chức sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 36 Bộ Luật lao động 2019, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động cung cấp không trung thực thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.

Như vậy, có thể thấy, khi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sử dụng giấy khám sức khỏe giả để bổ sung vào hồ sơ xin việc, hồ sơ tuyển dụng, hồ sơ bổ nhiệm nếu bị phát hiện có thể bị cơ quan quản lý xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức hoặc buộc thôi việc (đối với cán bộ, công chức, viên chức) hoặc bị các doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng (đối với người lao động).

Mặt khác, hành vi mua Giấy khám sức khỏe giả còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Cụ thể, tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:

“Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”.

Như vậy, hành vi mua giấy khám sức khỏe giả có thể bị phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng hoặc thậm chí có thể bị phạt tù lên đến 07 năm căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội.

Ty Na

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2770 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;