Đã bước sang năm 2021, tất cả cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập ngay trong quý 1 năm 2021 là nội dung đáng chú ý được Vụ trưởng Vụ Pháp chế chia sẻ.
Cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập ngay trong quý 1 năm 2021 (Ảnh minh họa)
Cụ thể, Theo ông Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ cho biết Nghị định 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị có hiệu lực vào 20/12/2020, nhưng do tính chất phức tạp, số lượng người kê khai tài sản lớn và có nhiều điểm mới nên chưa thể triển khai ngay. Việc này sẽ được bắt đầu từ 01/01/2021 và hoàn thành trong quý 1 năm 2021. Theo đó, cần lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, đối tượng nào buộc phải kê khai tài sản, thu nhập?
Ông Đinh Văn Minh cho biết đối tượng kê khai tài sản, thu nhập hiện nay vừa rộng vừa có trọng tâm. Đặc biệt, nếu trước kia đối tượng kê khai chỉ là trưởng phòng cấp huyện trở lên thì hiện nay tất cả cán bộ, công chức phải kê khai, riêng viên chức thì từ phó phòng.
Tại Điều 36 Luật phòng chống tham nhũng quy định những đối tượng phải kê khai lần đầu và chỉ một lần như một hoạt động rất bình thường trong hồ sơ cán bộ và chỉ kê khai bổ sung khi tài sản tăng thêm 300 triệu đồng bao gồm:
-
Tất cả cán bộ, công chức;
-
Phó phòng trong các đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước;
-
Sĩ quan công an, quân đội, quân nhân quốc phòng;
-
Những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đông nhân dân.
Thứ hai, đối tượng nào buộc phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm?
Tại Điều 10 Nghị định 130/2020/NĐ-CP đã quy định những đối tượng sau đây thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm:
1. Chấp hành viên; (đã được quy định trước đó tại khoản 8 Điều 7 Nghị định 78/2013/NĐ-CP)
2. Điều tra viên; (đã được quy định trước đó tại khoản 8 Điều 7 Nghị định 78/2013/NĐ-CP)
3. Kế toán viên; (mới hoàn toàn)
4. Kiểm lâm viên; (mới hoàn toàn)
5. Kiểm sát viên; (đã được quy định trước đó tại khoản 8 Điều 7 Nghị định 78/2013/NĐ-CP)
6. Kiểm soát viên ngân hàng; (mới hoàn toàn)
7. Kiểm soát viên thị trường; (mới hoàn toàn)
8. Kiểm toán viên; (đã được quy định trước đó tại khoản 8 Điều 7 Nghị định 78/2013/NĐ-CP)
9. Kiểm tra viên của Đảng; (mới hoàn toàn)
10. Kiểm tra viên hải quan; (mới hoàn toàn)
11. Kiểm tra viên thuế; (mới hoàn toàn)
12. Thanh tra viên; (đã được quy định trước đó tại khoản 8 Điều 7 Nghị định 78/2013/NĐ-CP)
13. Thẩm phán. (đã được quy định trước đó tại khoản 8 Điều 7 Nghị định 78/2013/NĐ-CP)
14. Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP; (mới hoàn toàn)
15. Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; (mới hoàn toàn)
16. Người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên. (mới hoàn toàn)
Như vậy, có thể thấy đây là đối tượng có cơ hội tham nhũng, có nguy cơ tham nhũng nhiều hơn nên nhóm này cần phải chịu sự kiểm soát nhiều hơn.
Thứ ba, xác minh ngẫu nhiên người kê khai tài sản là gì?
Có thể hiểu xác minh ngẫu nhiên người kê khai tài sản có nghĩa là ai cũng có thể bị xác minh bất cứ lúc nào, không vì lý do nào cả. Hình thức này là để nhắc nhở, cảnh báo cho tất cả những người kê khai tài sản là dù có che giấu kỹ đến đâu thì bất kỳ lúc đó cũng có thể nằm trong diện xác minh. Việc này cũng nhằm để người kê khai phải đề cao tính trách nhiệm, tính trung thực mỗi khi đặt bút kê khai tài sản (theo ông Đinh Văn Minh).
Ngoài ra, tại Nghị định 130/2020/NĐ-CP cũng quy định hàng năm, thanh tra Chính phủ sẽ có định hướng cho việc xây dựng kế hoạch xác minh và các bộ ngành, địa phương trên có sở xây dựng và triển khai thực hiện. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh. Việc lựa chọn được thực hiện công khai bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính.
Đặc biệt, việc xác minh tài sản thu nhập có mục đích quan trọng, nhất là đánh giá người kê khai trung thực hay không trung thực. Nếu người kê khai bị kết luận là không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ có thể bị cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc. Nếu họ đang được quy hoạch thì bị bỏ ra khỏi quy hoạch; đang ứng cử thì bị gạch tên khỏi danh sách ứng cử; đang được dự kiến bổ nhiệm sẽ không được bổ nhiệm.
Thứ tư, tài sản người thân mà có mối liên quan cũng sẽ bị xử lý?
Hiện nay, việc kê khai tài sản vẫn còn hạn chế là chỉ kiểm soát được tài sản cán bộ, công chức, dễ dẫn đến tình trạng tài sản đứng tên người khác.
Có thể thấy, theo pháp luật về phòng chống tham nhũng trước đây quy định tài sản tham nhũng là tài sản của người tham nhũng, có nghĩa là khi mang tên người khác thì không thể đụng vào. Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 3 Luật phòng chống tham nhũng hiện hành quy định tài sản tham nhũng là tài sản có nguồn gốc của tham nhũng.
Do đó, trường hợp chứng minh được dù là tài sản đứng tên người khác nhưng nguồn gốc của tài sản này là do tham nhũng mà có thì hoàn toàn có đủ cơ sở để xử lý theo quy định.
Lê Vy