Việc tuyển dụng công chức hiện nay đươc thực hiện thông qua 2 hình thức thi tuyển và xét tuyển. Vậy từ năm 2021 các đối tượng nào sẽ được tuyển dụng vào công chức theo hình thức xét tuyển?
Các đối tượng được xét tuyển công chức từ năm 2021 (Ảnh minh họa)
1. Đối tượng được xét tuyển công chức năm 2021
Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức 2008, hình thức, nội dung thi tuyển, xét tuyển công chức phải phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm trong từng ngành, nghề, bảo đảm lựa chọn được người có phẩm chất, trình độ và năng lực. Việc tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức.
Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định các đối tượng được áp dụng hình thức xét tuyển đối với công chức bao gồm:
-
Người cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
-
Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học;
-
Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.
Theo quy định của Điều 87 Luật Giáo dục 2019, chế độ cử tuyển được áp dụng với học sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người; học sinh là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số.
Đồng thời, theo quy định của Nghị định 140/2017/NĐ-CP sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc tại cơ sở giáo dục đại học trong nước hoặc nước ngoài được công nhận tương đương về văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật và người có trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú, dược sĩ chuyên khoa cấp I chuyên ngành y học, dược học, trong độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi; Người có trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II chuyên ngành y học, dược học dưới 35 tuổi nếu đáp ứng đủ các điều kiện tại Điều 2 Nghị định 140/2017/NĐ-CP sẽ được tuyển dụng vào công chức với hình thức xét tuyển.
Như vậy, theo quy định của khoản 1 Điều 10 Nghị định 138/2020/NĐ-CP chỉ có những đối tượng được liệt kê trên đây mới được áp dụng hình thức xét tuyển khi tham gia tuyển dụng vào công chức.
2. Người dự xét tuyển công chức phải trải qua 2 vòng kiểm tra
Theo quy định của Điều 11 Nghị định 138/2020/NĐ-CP người dự xét tuyển công chức sé phải trải qua 2 vòng kiểm tra. Bao gồm:
Vòng 1: Kiểm tra điều kiện dự tuyển tại Phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, nếu đáp ứng đủ thì người dự tuyển được tham dự vòng 2.
Vòng 2: Phỏng vấn để kiểm tra về kiến thức, kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.Thời gian phỏng vấn 30 phút, thí sinh dự thi có tối đa 15 phút chuẩn bị trước khi phỏng vấn. Thang điểm phần này là 100 điểm.
So với quy định cũ, Nghị định 138/2020/NĐ-CP đã quy định chi tiết và cho phép người dự xét tuyển cônng chức được có thời gian chuẩn bị trước khi phỏng vấn tối đa 15 phút. Đồng thời, Nghị định 138/2020/NĐ-CP cũng đã bỏ quy định về việc không được phúc khảo kết quả vòng 2, do đó, đối với người dự xét tuyển công chức năm 2021 có thể yêu cầu phúc khảo lại kết quả của vòng này.
Người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển công chức phải có kết quả điểm vòng 2 đạt từ 50 điểm trở lên, sau khi cộng với điểm ưu tiên (nếu có) và trong phạm vi chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm. Người đứng đầu cơ quan tuyển dụng sẽ tiến hành lấy kết quả từ cao xuống thấp.
Nếu có từ 02 người trở lên có tổng số điểm tính bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng của vị trí việc làm cần tuyển thì người có kết quả điểm vòng 2 cao hơn là người trúng tuyển; nếu vẫn không xác định được thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định người trúng tuyển.
Người không trúng tuyển trong kỳ xét tuyển công chức không được bảo lưu kết quả xét tuyển cho các kỳ xét tuyển lần sau.
Đức Thảo
- Từ khóa:
- Nghị định 138/2020/NĐ-CP