Bồi thường chi phí đào tạo đối với viên chức có khác gì so với NLĐ?

Bồi thường chi phí đào tạo đối với viên chức có khác gì so với người lao động? – Đây là câu hỏi mà Thư Ký Luật nhận được từ anh Đức Nghĩa sống tại Thành phố Hồ Chí Minh.

bồi thường chi phí đào tạo

Bồi thường chi phí đào tạo đối với viên chức có khác gì so với NLĐ? (Ảnh minh họa)

Về vấn đề này, Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT xin được trả lời như sau:

Theo quy định của pháp luật hiện hành, điều kiện đào tạo sau đại học đối với viên chức được quy định như sau:

  • Đã kết thúc thời gian tập sự;

  • Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, hoạt động nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo;

  • Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.

Trường hợp được cử đi học theo các chương trình hợp tác với nước ngoài được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì ngoài các điều kiện trên còn phải đáp ứng yêu cầu khác của chương trình hợp tác.

Theo đó, những viên chức đủ các điều kiện trên thì được cử đi đào tạo bồi dưỡng. Trong trường hợp viên chức được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức mà tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo hoặc không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc/đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo thì phải đền bù chi phí đào tạo cho đơn vị đã chi trả cho khóa học.

Theo Điều 8 Nghị định 101/2017/NĐ-CP thì chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ cho khóa học, không tính lương và các khoản phụ cấp (nếu có). Đối với trường hợp tự ý bỏ học, bỏ việc/đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo hoặc không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp thì viên chức phải trả 100% chi phí đền bù. Đối với trường hợp đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc/đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo thì chi phí đền bù được tính theo công thức sau:

Trong đó:

- S là chi phí đền bù;

- F là tổng chi phí do cơ quan, đơn vị cử cán bộ, công chức, viên chức đi học chi trả theo thực tế cho 01 người tham gia khóa học;

- T1 là thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học (hoặc các khóa học) được tính bằng số tháng làm tròn;

- T2 là thời gian đã phục vụ sau đào tạo được tính bằng số tháng làm tròn.

Ví dụ: Anh A được cơ quan cử đi đào tạo thạc sỹ 02 năm (= 24 tháng), chi phí hết 30 triệu đồng. Theo cam kết, anh A phải phục vụ sau khi đi học về ít nhất là 48 tháng. Sau khi tốt nghiệp, anh A đã phục vụ cho cơ quan được 24 tháng. Sau đó, anh A tự ý bỏ việc. Chi phí đào tạo mà anh A phải đến bù là:

Như vậy, anh A phải đên bù chi phí đào tạo cho đơn vị là 15 triệu đồng.

Ngoài ra, mỗi năm công tác của viên chức (không tính thời gian tập sự và thời gian công tác sau khi được đào tạo) được tính giảm 1% chi phí đền bù. Trường hợp là nữ hoặc là người dân tộc thiểu số thì mỗi năm công tác được tính giảm tối đa 1,5% chi phí đến bù. Như vậy, nếu anh A đã công tác ở đơn vị 2 năm trước khi được cử đi đào tạo thì chi phí đền bù được giảm 2% và còn lại là 15 triệu – (15 triệu x 2%) = 14,7 triệu đồng.

Ngược lại với viên chức, chi phí đền bù của người lao động lại không được quy định một cách rõ ràng mà chủ yếu dựa vào thỏa thuận của đôi bên. Theo Điều 43 Bộ luật lao động 2012 quy định, trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật thì phải hoàn trả chi phí đào tạo theo cam kết đã thỏa thuận cho người sử dụng lao động bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài.

Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng hợp quy định tại Điều 37 BLLĐ 2012 thì pháp luật hiện tại chưa có quy định trường hợp này có phải bồi thường hay không. Do đó, phải căn cứ vào trách nhiệm nghĩa vụ của các bên, các điều khoản phạt vi phạm, bồi thường được quy định trong hợp đồng và cam kết mà các bên đã thỏa thuận. Theo đó, nếu thỏa thuận trong mọi trường hợp chấm dứt HĐLĐ, người lao động đều phải bồi thường chi phí đào tạo, thì người lao động sẽ phải bồi thường theo thảo thuận đã cam kết. Nếu trong cam kết không thỏa thuận về việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ phải bồi thường chi phí đào tạo thì người sử dụng lao động hoàn toàn không có cơ sở để yêu cầu người lao động bồi thường chi phí này khi chấm dứt hợp đồng.

Như vậy, bồi thường chi phí đào tạo của viên chức được quy định rõ ràng hơn so với người lao động. Bên cạnh đó, quy trình cũng công khai, minh bạch hơn vì có Hội đồng xét đền bù. Còn người lao động chủ yếu là dựa vào thỏa thuận của các bên, có thể tăng hoặc giảm so với mức bồi thường trong cam kết tùy vào ý chí của hai bên.

Lê Hậu

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2888 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;