07 chính sách mới đối với CBCCVC có hiệu lực từ tháng 12/2020

Trong tháng 12 này rất nhiều chính sách mới dành cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ chính thức có hiệu lực. THƯ KÝ LUẬT xin gửi đến Qúy khách hàng và Thành viên 07 chính sách mới quan trọng nhất.

chính sách mới dành cho CBCCVC, Nghị định 138/2020/NĐ-CP

07 chính sách mới dành cho CBCCVC sẽ có hiệu lực từ tháng 12/2020 (Ảnh minh họa)

1. Tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức được thực hiện theo quy định mới tại Nghị định 138/2020/NĐ-CP

Ngày 27/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Nghị định này chính thức có hiệu lực từ 01/12/2020 thay thế Nghị định 24/2010/NĐ-CP.

Theo đó, việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức tại Nghị định 138/2020/NĐ-CP có một số điểm đáng chú ý như sau:

(1) 05 đối tượng được tiếp nhận vào làm công chức không cần qua thi tuyển, xét tuyển

Theo khoản 1 Điều 18 Nghị định 138/2020/NĐ-CP, 05 đối tượng sau được tiếp nhận vào làm công chức không cần qua thi tuyển, xét tuyển bao gồm: 

  • Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập;

  • Cán bộ, công chức cấp xã;

  • Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức;

  • Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Thành viên Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và người đang giữ chức vụ, chức danh quản lý từ cấp phòng trở lên trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết;

  • Người đã từng là cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác.

(2) Công chức, viên chức không được giữ chức vụ quản lý quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp

Cụ thể, Nghị định 138/2020/NĐ-CP và Nghị định 115/2020/NĐ-CP đã giới hạn số lần công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp so với quy định trước đây (tại Nghị định 24/2010/NĐ-CP và Nghị định 29/2012/NĐ-CP). Theo đó, khi thời điểm quyết định bổ nhiệm công chức, viên chức có hiệu lực thì thời hạn cho mỗi lần bổ nhiệm là 05 năm và thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp (căn cứ Điều 41 Nghị định 138/2020/NĐ-CP và Điều 43 Nghị định 115/2020/NĐ-CP).

(3) Các trường hợp thi tuyển công chức được miễn thi ngoại ngữ, tin học

Theo đó, Điều 8 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định:

- Người dự thi công chức được miễn thi ngoại ngữ nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển;

  • Có bằng tốt nghiệp cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp và được công nhận tại Việt Nam theo quy định;

  • Có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số hoặc là người dân tộc thiểu số, trong trường hợp dự tuyển vào công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số.

- Người dự thi công chức được miễn thi tin học đối với các trường hợp có bằng tốt nghiệp từ trung cấp trở lên các chuyên ngành liên quan đến tin học, công nghệ thông tin.

Trước đây, Nghị định 161/2018/NĐ-CP chỉ yêu cầu có bằng đại học, sau đại học về ngoại ngữ thì được miễn thi tuyển và có bằng trung cấp toán – tin cũng được miễn thi tin học. Tuy nhiên, từ ngày 01/12/2020, người dự tuyển có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm thì được miễn thi ngoại ngữ và có bằng tốt nghiệp từ trung cấp trở lên các chuyên ngành liên quan đến tin học, công nghệ thông tin thì được miễn thi tin học.

(4) Vẫn tính vào thời gian tập sự thời gian người tập sự nghỉ ốm đau hoặc có lý do chính đáng dưới 14 ngày

Theo điểm c khoản 2 Điều 20 Nghị định 138/2020/NĐ-CP, trường hợp người tập sự nghỉ ốm đau hoặc có lý do chính đáng dưới 14 ngày mà được người đứng đầu cơ quan, đơn vị nơi người được tuyển dụng vào công chức đang thực hiện chế độ tập sự đồng ý thì thời gian này được tính vào thời gian tập sự. Trước đây, Nghị định 24/2010/NĐ-CP quy định thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội và thời gian nghỉ ốm đau, bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật đều không được tính vào thời gian tập sự và không có trường hợp ngoại lệ.

2. CBCCVC phải kê khai bổ sung khi có tài sản, thu nhập trong năm từ 300 triệu

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ có hiệu lực từ ngày 20/12/2020.

Cụ thể, Điều 10 Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định 16 đối tượng buộc phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm từ ngày 20/12 bao gồm:

1. Chấp hành viên; (đã được quy định trước đó tại khoản 8 Điều 7 Nghị định 78/2013/NĐ-CP)

2. Điều tra viên; (đã được quy định trước đó tại khoản 8 Điều 7 Nghị định 78/2013/NĐ-CP)

3. Kế toán viên;

4. Kiểm lâm viên;

5. Kiểm sát viên; (đã được quy định trước đó tại khoản 8 Điều 7 Nghị định 78/2013/NĐ-CP)

6. Kiểm soát viên ngân hàng;

7. Kiểm soát viên thị trường;

8. Kiểm toán viên; (đã được quy định trước đó tại khoản 8 Điều 7 Nghị định 78/2013/NĐ-CP)

9. Kiểm tra viên của Đảng;

10. Kiểm tra viên hải quan;

11. Kiểm tra viên thuế;

12. Thanh tra viên; (đã được quy định trước đó tại khoản 8 Điều 7 Nghị định 78/2013/NĐ-CP)

13. Thẩm phán. (đã được quy định trước đó tại khoản 8 Điều 7 Nghị định 78/2013/NĐ-CP)

14. Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP;

15. Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

16. Người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên.

So với quy định trước đây, Nghị định 130/2020/NĐ-CP đã quy định bổ sung môt số đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm bao gồm: kiểm toán viên, kiểm lâm viên; kiểm soát viên ngân hàng; kiểm soát viên thị trường; kiểm tra viên của Đảng; kiểm tra viên hải quan; kiểm tra viên thuế.

3. Cách xếp lương đối với viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin

xếp lương đối với viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin, Thông tư 29/2020/TT-BTTTT

Ngày 28/10/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 29/2020/TT-BTTTT về hướng dẫn bổ nhiệm và xếp lương đối với chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin. Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực từ 12/12/2020.

Theo đó, Điều 5 Thông tư 29/2020/TT-BTTTT quy định viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin được áp dụng bảng lương như sau:

  • Chức danh an toàn thông tin hạng I (mã số V11.05.09), quản trị viên hệ thống hạng I (mã số V11.06.12), kiểm định viên công nghệ thông tin hạng I (mã số V11.07.16), phát triển phần mềm hạng I (mã số V11.08.19) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) có 6 bậc, từ hệ số lương 6,20 đến 8,00 (từ 9.238.000 đồng đến 11.920.000 đồng);

  • Chức danh an toàn thông tin hạng II (mã số V11.05.10), quản trị viên hệ thống hạng II (mã số V11.06.13), kiểm định viên công nghệ thông tin hạng II (mã số V11.07.17), phát triển phần mềm hạng II (mã số V11.08.20) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) có 8 bậc, từ hệ số lương 4,40 đến 6,78 (từ 6.556.000 đồng đến 10.102.000 đồng);

  • Chức danh an toàn thông tin hạng III (mã số V11.05.11), quản trị viên hệ thống hạng III (mã số V11.06.14), kiểm định viên công nghệ thông tin hạng III (mã số V11.07.18), phát triển phần mềm hạng III (mã số V11.08.21) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 có 9 bậc, từ hệ số lương 2,34 đến 4,98 (từ 3.487.000 đồng đến 7.420.000 đồng);

  • Chức danh quản trị viên hệ thống hạng IV (mã số V11.06.15), phát triển phần mềm hạng IV (mã số V11.08.22) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B có 12 bậc, từ hệ số lương 1,86 đến 4,06 (từ 2.771.400 đồng đến 6.049.400 đồng).

4. Bảng lương của viên chức âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim

Căn cứ tại Điều 5 Thông tư 30/2020/TT-BTTTT, chức danh nghề nghiệp viên chức âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim được áp dụng bảng lương như sau:

  • Chức danh nghề nghiệp âm thanh viên hạng I (mã số V11.09.23), phát thanh viên hạng I (mã số V11.10.27), kỹ thuật dựng phim hạng I (mã số V11.11.31), quay phim hạng I (mã số V11.12.35) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 2 (A3.2) có 6 bậc, từ hệ số lương 5,75 đến hệ số lương 7,55 (từ 8.567.500 đồng đến 11.249.500 đồng);

  • Chức danh nghề nghiệp âm thanh viên hạng II (mã số V11.09.24), phát thanh viên hạng II (mã số V11.10.28), kỹ thuật dựng phim hạng II (mã số V11.11.32), quay phim hạng II (mã số V11.12.36) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 2 (A2.2) có 8 bậc, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38 (từ 5.960.000 đồng đến 9.506.200 đồng);

  • Chức danh nghề nghiệp âm thanh viên hạng III (mã số V11.09.25), phát thanh viên hạng III (mã số V11.10.29), kỹ thuật dựng phim hạng III (mã số V11.11.33), quay phim hạng III (mã số V11.12.37) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 có 9 bậc, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98 (từ 3.129.000 đồng đến 6.824.200 đồng);

  • Chức danh nghề nghiệp âm thanh viên hạng IV (mã số V11.09.26), phát thanh viên hạng IV (mã số V11.10.30), kỹ thuật dựng phim hạng IV (mã số V11.11.34), quay phim hạng IV (mã số V11.12.38) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B, có 12 bậc, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06 (từ 2.771.400 đồng đến 6.049.400 đồng).

5. Viên chức giảng dạy trong cơ sở đại học công lập được áp dụng bảng lương theo Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT

Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT, viên chức giảng dạy trong cơ sở đại học công lập được áp dụng bảng lương như sau:

  • Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00 (từ 9.238.000 đồng đến 11.920.000 đồng);

  • Chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78 (từ 6.556.000 đồng đến 10.102.000 đồng);

  • Chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III), trợ giảng (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98 (từ 3.487.000 đồng đến 7.420.000 đồng).

Lưu ý: VIệc xếp lương chức danh nghề nghiệp  viên chức giảng dạy thực hiện sau khi đã được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn lại khoản 1 Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV và theo quy định hiện hành của pháp luật.

6. Viên chức là giảng viên đại học hạng III phải có bằng thạc sĩ trở lên

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập, chính thức có hiệu lực từ ngày 12/12/2020.

Theo đó, quy định giảng viên hạng III các trường đại học công lập phải có tiêu chuẩn, trình độ như sau:

- Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

  • Có bằng thạc sĩ trở lên phù hợp với vị trí việc làm, ngành hoặc chuyên ngành giảng dạy (Thông tư liên tịch 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV quy định có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với vị trí việc làm, chuyên ngành giảng dạy).

  • Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III) áp dụng đối với viên chức được tuyển dụng sau ngày ngày 12/12/2020 (Thông tư liên tịch 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV quy định có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên).

- Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:

  • Nắm vững kiến thức cơ bản của môn học được phân công giảng dạy; có kiến thức tổng quát về một số môn học có liên quan trong chuyên ngành đào tạo được giao đảm nhiệm;

  • Hiểu và thực hiện đúng mục tiêu, kế hoạch, nội dung, chương trình các môn học được phân công thuộc chuyên ngành đào tạo. Xác định được thực tiễn và xu thế phát triển đào tạo, nghiên cứu của chuyên ngành ở trong và ngoài nước;

  • Sử dụng có hiệu quả và an toàn các phương tiện dạy học, trang thiết bị dạy học. Có phương pháp dạy học hiệu quả, phù hợp với nội dung môn học; giảng dạy đạt yêu cầu trở lên;

  • Có khả năng nghiên cứu khoa học; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào giảng dạy và các công việc được giao;

  • Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng ngoại ngữ trong thực hiện các nhiệm vụ của chức danh giảng viên (hạng III).

7. Quy chế về văn thư, lưu trữ áp dụng với công chức, viên chức Bộ Nội vụ

Ngày 01/12/2020, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định 1032/QĐ-BNV năm 2020 về Quy chế công tác văn thư, lưu trữ, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/12/2020.

Theo Quyết định 1032/QĐ-BNV, đối tượng thuộc phạm vi áp dụng của Quy chế này là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các đơn vị thuộc Bộ Nội vụ; các đơn vị trực thuộc Bộ chỉ thực hiện quy chế này khi tiếp nhận và trình ký các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng. Cụ thể, 

+ Thể thức văn bản:

- Văn bản quy phạm pháp luật thể thức thực hiện theo quy định tại Chương V Nghị định 34/2016/NĐ-CP;

- Văn bản hành chính thể thức thực hiện theo quy định tại Điều 8 và Phụ lục I Nghị định 30/2020/NĐ-CP;

- Văn bản trao đổi với cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài thể thức văn bản thực hiện theo quy định của pháp luật và theo thông lệ quốc tế.

+ Kỹ thuật trình bày văn bản:

- Văn bản quy phạm pháp luật kỹ thuật trình bày văn bản thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương V Nghị định 34/2016/NĐ-CP;

- Kỹ thuật trình bày văn bản hành chính, quy tắc viết hoa được thực hiện theo quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II Nghị định 30/2020/NĐ-CP.

Trên đây là 07 chính sách mới đối với cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực trong tháng 12/2020. Đây là những chính sách quan trọng có tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức nên các đối tượng này cần phải lưu ý.

Thùy Trâm

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1021 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;