Sắp tới, Nghị định 106/2020/NĐ-CP quy định về vị trí việc làm viên chức sẽ có hiệu lực. Theo đó, sẽ có 06 điểm mới về vị trí việc làm viên chức từ ngày 15/11/2020, cụ thể như sau:
- Nghị định 106/2020/NĐ-CP: Khi nào điều chỉnh vị trí việc làm viên chức?
- Lựa chọn người làm việc tại ĐVSNCL phải đảm bảo công khai, minh bạch
- HOT: Nghị định mới về vị trí việc làm và số lượng viên chức
06 điểm mới về vị trí việc làm viên chức từ ngày 15/11/2020 (Ảnh minh họa)
1. Bổ sung tiêu chí phân loại vị trí việc làm viên chức
Theo Điều 5 Nghị định 106/2020/NĐ-CP của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, việc phân loại vị trí việc làm được quy định cụ thể như sau:
- Phân loại theo khối lượng công việc:
-
Vị trí việc làm do một người đảm nhận;
-
Vị trí việc làm do nhiều người đảm nhận;
-
Vị trí việc làm kiêm nhiệm.
- Phân loại theo tính chất, nội dung công việc
-
Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý;
-
Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành;
-
Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung (hành chính, tổng hợp, quản trị văn phòng, tổ chức cán bộ, kế hoạch tài chính và các vị trí việc làm không giữ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành của đơn vị sự nghiệp công lập);
-
Vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.
Trong khi đó, tại Điều 2 Nghị định 41/2012/NĐ-CP hết hiệu lực từ ngày 15/11/2020 thì vị trí việc làm chỉ được phân loại dựa vào 3 tiêu chí: vị trí việc làm do một người đảm nhận; vị trí việc làm do nhiều người đảm nhận; vị trí việc làm kiêm nhiệm. Theo đó, Nghị định mới đã bổ sung thêm tiêu chí phân loại theo tính chất, nội dung công việc từ ngày 15/11/2020.
2. Thay đổi hoàn toàn căn cứ xác định vị trí việc làm viên chức
Điều 4 Nghị định 106/2020/NĐ-CP |
Điều 4 Nghị định 41/2012/NĐ-CP |
Căn cứ xác định vị trí việc làm bao gồm: - Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập. - Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
|
Căn cứ xác định vị trí việc làm bao gồm: - Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và công việc thực tế của đơn vị sự nghiệp công lập. - Mức độ phức tạp, quy mô công việc; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của luật chuyên ngành. - Tính chất, đặc điểm, nhu cầu công việc của đơn vị sự nghiệp công lập. - Mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin. - Thực trạng bố trí, sử dụng viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập. |
Theo đó, từ ngày 15/11/2020, việc xác định vị trí việc làm viên chức sẽ không còn phụ thuộc vào mức độ hiện đại hóa, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin,… Điều này phù hợp với thực trạng hiện nay khi hầu hết các đơn vị đều đã ứng dụng thiết bị hiện đại vào hoạt động. Việc bỏ bớt các căn cứ này còn cho thấy sự đơn giản hóa vê mặt phương pháp cũng như cách thức tiến hành xác định vị trí việc làm cho viên chức tại mỗi đơn vị sự nghiệp công lập.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 106/2020/NĐ-CP cũng quy định thêm về căn cứ xác định số lượng người làm việc. Đây là nội dung được quy định mới hoàn toàn, cụ thể bao gồm:
-
Vị trí việc làm và khối lượng công việc thực tế tại từng vị trí việc làm của đơn vị sự nghiệp công lập;
-
Mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin;
-
Thực trạng quản lý, sử dụng số lượng người làm việc được giao của đơn vị.
3. Trường hợp điều chỉnh vị trí việc làm viên chức
Điều 8 Nghị định 106/2020/NĐ-CP |
Điều 11 Nghị định 41/2012/NĐ-CP |
Việc điều chỉnh vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện trong các trường hợp sau: - Đơn vị sự nghiệp công lập có sự thay đổi một trong các căn cứ xác định vị trí việc làm, cụ thể: + Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập; + Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành. - Đơn vị sự nghiệp công lập được tổ chức lại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. |
Việc điều chỉnh vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện trong các trường hợp sau: - Đơn vị sự nghiệp công lập được bổ sung, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; - Đơn vị sự nghiệp công lập được tổ chức lại hoặc giải thể.
|
Theo đó, có thể thấy từ thay đổi về căn cứ xác định việc làm đã dẫn tới sự thay đổi về điều chỉnh vị trí việc làm. Đồng thời quy định mới này cũng bỏ trường hợp điều chỉnh vị trí việc làm đối với đơn vị sự nghiệp công lập giải thể. Ngoài ra, tại Điều này cũng bãi bỏ hoàn toàn quy định đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập mới theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì danh mục vị trí việc làm, số lượng người làm việc và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp phải được xác định ngay từ khi xây dựng đề án thành lập và được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong Quyết định thành lập.
4. Đổi mới toàn bộ căn cứ xác định cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp
Khoản 3 Điều 4 Nghị định 106/2020/NĐ-CP |
Điều 6 Nghị định 41/2012/NĐ-CP |
Căn cứ xác định cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp bao gồm: - Danh mục vị trí việc làm; - Mức độ phức tạp của công việc của vị trí việc làm; - Tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp viên chức tương ứng với vị trí việc làm.
|
Cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp được xác định theo các căn cứ sau: - Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập được cơ quan có thẩm quyền quyết định; - Tính chất, đặc điểm, phạm vi, quy mô, mức độ phức tạp của công việc; - Số lượng vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp tương ứng. Ngoài ra, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành hướng dẫn việc xác định cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp. |
Có thể thấy, đây là thay đổi phù hợp với thực tế hiện nay. Các căn cứ xác định cụ thể và rõ ràng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng vào thực tiễn cũng như dễ dàng trong việc quản lý viên chức của cơ quan cấp trên.
5. Kéo dài thời hạn thẩm định Đề án vị trí việc làm viên chức
Theo Điều 7 Nghị định 106/2020/NĐ-CP, trong thời hạn 40 ngày (đối với hồ sơ đề nghị thẩm định và phê duyệt lần đầu), 25 ngày (đối với hồ sơ đề nghị điều chỉnh) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm thẩm định Đề án vị trí việc làm quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 106/2020/NĐ-CP phải hoàn thành việc thẩm định để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý. Trường hợp cấp có thẩm quyền quyết định không đồng ý thì thông báo bằng văn bản cho đơn vị sự nghiệp công lập và nêu rõ lý do.
Trong khi đó tại khoản 4 Điều 9 Nghị định 41/2012/NĐ-CP quy định chỉ trong thời hạn 15 ngày làm việc, cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao trách nhiệm thẩm định đề án vị trí việc làm phải hoàn thành việc thẩm định để trình cơ quan có thẩm quyền.
Theo đó, từ ngày 15/11/2020 sẽ kéo dài thời hạn thẩm định Đề án vị trí việc làm thêm 25 ngày so với quy định hiện hành.
6. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được phê duyệt vị trí việc làm viên chức
Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 106/2020/NĐ-CP, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của đơn vị sau khi được Hội đồng quản lý thông qua. Đây là quy định mới hoàn toàn so với trước đây.
Ngoài ra, tại Điều 16 Nghị định 106/2020/NĐ-CP cũng quy định người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, có thẩm quyền:
-
Chỉ đạo xây dựng Đề án vị trí việc làm và lập kế hoạch số lượng người làm việc;
-
Quyết định phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của đơn vị; quyết định số lượng người làm việc của đơn vị, bảo đảm không được thấp hơn định mức số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập do bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành; bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định đối với số lượng người làm việc của đơn vị, không làm tăng kinh phí chi đầu tư đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên;
-
Thống kê, tổng hợp vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc của đơn vị, báo cáo cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp.
Đồng thời, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập còn tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được quyền:
-
Chỉ đạo xây dựng Đề án vị trí việc làm; trình cấp có thẩm quyền quyết định vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của đơn vị;
-
Chỉ đạo lập kế hoạch số lượng người làm việc, kế hoạch điều chỉnh số lượng người làm việc hàng năm của đơn vị theo quy định tại Nghị định này, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;
-
Thống kê, tổng hợp vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc của đơn vị, báo cáo cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp.
Trong khi đó, tại Điều 17 Nghị định 41/2012/NĐ-CP chỉ quy định chung về trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập mà không có quy định cụ thể về trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là quy định mới hoàn toàn ghi nhận tại Nghị định 106/2020/NĐ-CP, được áp dụng từ ngày 15/11/2020.
Trên đây là toàn bộ 06 điểm mới về vị trí việc làm viên chức từ ngày 15/11/2020 mà mọi viên chức cần phải biết.
Lê Vy