Từ tháng 6/2018, nhiều văn bản mới liên quan đến thăng hạng chức danh, thi đua khen thưởng và công tác cán bộ, công chức, viên chức chính thức có hiệu lực.
1. Quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập
Thông tư 12/2018/TT- BGDĐT có hiệu lực từ ngày 01/6/2018, quy định cụ thể về quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giảng viên các trường đại học công lập.
Theo đó, Hội đồng xét thăng hạng do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định thành lập và tổ chức xét thăng hạng theo quy trình gồm các bước: Chuẩn bị xét thăng hạng, tổ chức xét hồ sơ thăng hạng và tổ chức xét thăng hạng.
2. Các hành vi bị nghiêm cấm trong thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa
Cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại trụ sở Bộ phận Một cửa và tại cơ quan có thẩm quyền không được thực hiện một số hành vi như:
-
Cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính;
-
Cản trở hoặc ngăn chặn trái phép quá trình truyền, gửi, nhận dữ liệu điện tử; thay đổi, xóa, hủy, giả mạo, sao chép, di chuyển trái phép một phần hoặc toàn bộ nội dung dữ liệu thực hiện thủ tục hành chính;
-
Từ chối thực hiện, kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính hoặc tự ý yêu cầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật...
Nội dung trên căn cứ vào Nghị định 61/2018/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 21/6/2018.
3. Giảm 1/3 thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng đối với cán bộ nữ làm việc trong Tòa án
Cụ thể, Khoản 11 Điều 5 Thông tư 01/2018/TT-TANDTC quy định đối với cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý, thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến được giảm 1/3 thời gian so với quy định chung.
Ngoài ra, khi có nhiều cá nhân, tập thể cùng đủ điều kiện, tiêu chuẩn của một hình thức khen thưởng thì ưu tiên khen thưởng cá nhân nữ, tập thể có tỉ lệ nữ cao hơn.
4. Ủy ban kiểm tra có quyền yêu cầu đảng viên không được xuất cảnh
Ban chấp hành Trung ương vừa ban hành Quy định 01-Qđi/TW về trách nhiệm và thẩm quyền của ủy ban kiểm tra trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Theo đó, khi phát hiện đảng viên có dấu hiệu vi phạm tham nhũng, Ủy ban kiểm tra có quyền yêu cầu đảng viên không được xuất cảnh. Khi cần thiết, Ủy ban kiểm tra được đề nghị cơ quan có thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh đối với đảng viên có dấu hiệu vi phạm và dấu hiệu bỏ trốn.
Nội dung trên căn cứ vào Khoản 5 Điều 5 Quy định 01-QĐi/TW.