04 quy định cần biết về lựa chọn giáo viên mầm non cốt cán

Giáo viên mầm non chắc hẳn ai cũng đã nghe qua danh hiệu giáo viên mầm non cốt cán nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về danh hiệu này. Theo đó, có 04 quy định cần biết về lựa chọn giáo viên mầm non cốt cán.

giáo viên mầm non cốt cán, Thông tư 26/2018/TT-BGDĐT

04 quy định cần biết về lựa chọn giáo viên mầm non cốt cán (Ảnh minh họa)

1. Giáo viên mầm non cốt cán là gì?

Theo khoản 9 Điều 3 Thông tư 26/2018/TT-BGDĐT, giáo viên mầm non cốt cán là giáo viên mầm non có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong tập thể sư phạm nhà trường, có hiểu biết về tình hình giáo dục; có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tốt; có năng lực tham mưu, tư vấn, hỗ trợ, dẫn dắt, chia sẻ đồng nghiệp trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và trong hoạt động bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp.

Có thể thấy, việc có được xem là giáo viên mầm non cốt cán hay không dựa vào các tiêu chí như phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, quan hệ đồng nghiệp, khả năng gánh vác trách nhiệm,... đáp ứng được những tiêu chuẩn mà pháp luật đặt ra.

2. Tiêu chuẩn lựa chọn giáo viên mầm non cốt cán

Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư 26/2018/TT-BGDĐT, giáo viên mầm non cốt cán được lựa chọn dựa vào những tiêu chuẩn sau:

  • Là giáo viên mầm non có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ em ở các cơ sở giáo dục mầm non cho tới thời điểm xét chọn;

  • Được đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non đạt mức khá trở lên, trong đó tiêu chí 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 phải đạt mức tốt;

  • Có khả năng thiết kế, triển khai các hoạt động giáo dục mẫu, tổ chức các tọa đàm, hội thảo, bồi dưỡng về đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non cho đồng nghiệp trong trường hoặc cụm trường tham khảo học tập;

  • Có khả năng sử dụng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác, sử dụng thiết bị công nghệ trong trong tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em và bồi dưỡng giáo viên;

  • Có nguyện vọng trở thành giáo viên mầm non cốt cán.

Theo đó, việc có nguyện vọng trở thành giáo viên mầm non cốt cán là một trong những tiêu chuẩn để tiến hành lựa chọn. Điều này thể hiện sự tôn trọng ý chí của giáo viên, khuyến khích giáo viên tự nổ lực để đạt danh hiệu giáo viên mầm non cốt cán.

3. Quy trình lựa chọn giáo viên mầm non cốt cán

Theo đó, tại khoản 2 Điều 12 Thông tư 26/2018/TT-BGDĐT quy định hướng dẫn quy trình lựa chọn giáo viên mầm non cốt cán như sau:

- Cơ sở giáo dục mầm non lựa chọn và đề xuất giáo viên mầm non cốt cán và báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp cấp trên;

- Trưởng phòng giáo dục và đào tạo lựa chọn và phê duyệt danh sách giáo viên mầm non cốt cán theo thẩm quyền; báo cáo sở giáo dục và đào tạo;

- Giám đốc sở giáo dục và đào tạo lựa chọn và phê duyệt danh sách giáo viên mầm non cốt cán theo thẩm quyền; báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo theo yêu cầu.

4. Nhiệm vụ của giáo viên mầm non cốt cán

- Hỗ trợ, tư vấn cho đồng nghiệp trong cơ sở giáo dục mầm non hoặc các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn các vấn đề liên quan đến đảm bảo và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non; biên soạn tài liệu chuyên đề bồi dưỡng, hướng dẫn (cho giáo viên, cha, mẹ, người giám hộ trẻ em); tổ chức hướng dẫn cho sinh viên thực hành, thực tập sư phạm; kết nối với giảng viên sư phạm các khoa giáo dục mầm non trao đổi kiến thức về nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em;

- Hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp trong trường hoặc các trường trên địa bàn về các hoạt động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường; kế hoạch hoạt động nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hoạt động giáo dục trẻ em trong nhóm, lớp; về việc thực hiện các khóa đào tạo, bồi dưỡng giáo viên qua mạng internet; về bồi dưỡng, tham gia tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên trong trường hoặc các trường trên địa bàn; tham gia tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo yêu cầu hàng năm của ngành (cấp phòng, sở, Bộ);

- Tham mưu, tư vấn cho cấp quản lí trực tiếp về công tác xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện cụ thể của trường, lớp và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương nhằm bảo đảm mục tiêu, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên; tham gia tổ chức, báo cáo chuyên môn, nghiệp vụ tại các hội nghị chuyên đề, các buổi sinh hoạt chuyên môn của cơ sở giáo dục mầm non hoặc các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn.

Từ tiêu chuẩn và quy trình lựa chọn tỉ mỉ có thể thấy giáo viên mầm non cốt cán là người được chọn lọc có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, có uy tín trong nhà trường, được đề cử. Từ đó, giáo viên mầm non cốt cán còn làm nòng cốt trong sinh hoạt chuyên môn; hướng dẫn, tư vấn đồng nghiệp trong giảng dạy, giáo dục và phát triển nghề nghiệp. Có thể thấy đây là một danh hiệu rất đáng quý dành cho các giáo viên mầm non.

Thùy Trâm

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2263 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;