Đây là nội dung được đề cập tại Dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội và Luật bảo hiểm y tế thuộc lĩnh vực y tế. Theo đó, sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ nhiều quy định liên quan đến hoạt động thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT).
Khám bệnh, chữa bệnh không cần xuất trình thẻ BHYT
Theo quy định hiện hành (Điều 8 Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC) thì khi đi khám, chữa bệnh thì cần phải xuất trình thẻ BHYT. Tuy nhiên, từ ngày 01/6/2017, người tham gia BHYT khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải cung cấp số thẻ bảo hiểm y tế hoặc xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh. Như vậy, trong trường hợp không mang thẻ BHYT thì người tham gia BHYT đến khám, chữa bệnh chỉ cần cung cấp số thẻ BHYT và xuất trình một trong các giấy tờ:
- Thẻ căn cước công dân còn giá trị hiệu lực;
- Chứng minh nhân dân còn giá trị hiệu lực (bao gồm cả chứng minh quân đội);
- Hộ chiếu còn giá trị hiệu lực;
- Thẻ học sinh, sinh viên, học viên còn giá trị hiệu lực (đối với học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi làm chứng minh minh nhân dân);
- Các giấy tờ có ảnh khác do cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan nơi người đó đang công tác, làm việc cấp hoặc xác nhận.
Trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải cung cấp số định danh cá nhân hoặc xuất trình một trong các loại giấy tờ trên. Người tham gia BHYT trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ bảo hiểm y tế do tổ chức Bảo hiểm xã hội nơi tiếp nhận hồ sơ cấp lại thẻ, đổi thẻ cấp và cung cấp số định danh cá nhân hoặc xuất trình một trong các loại giấy tờ trên.
Tăng thời hạn sử dụng giấy chuyển tuyến lên tối đa 30 ngày
- Theo Điều 9 Thông tư 37/2014/TT-BYT cũng như tại Thông tư 40/2015/TT-BYT quy định Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng trong 10 ngày làm việc, kể từ ngày ký. Tại Dự thảo Thông tư thì Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng tối đa 30 ngày kể từ ngày ký.
- Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế mắc các bệnh, nhóm bệnh và các trường hợp quy định tại phụ lục kèm theo Thông tư này thì giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng trong thời gian 12 tháng kể từ ngày cấp (quy định hiện hành Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm dương lịch đó. Trường hợp đến hết ngày 31 tháng 12 của năm đó mà người bệnh vẫn đang điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết đợt điều trị nội trú đó). Trường hợp thời gian chuyển tuyến chuyển tiếp qua hai năm thì người bệnh có trách nhiệm thông báo với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về tình trạng hiệu lực của thẻ y tế vào ngày 01/ 01 của năm mới, trừ đối tượng là người hưu trí.
Áp dụng 12 biểu mẫu mới trong BHXH, BHYT
Từ ngày 01/6/2017, sẽ áp dụng 12 biểu mẫu mới gồm:
- Biên bản giám định y khoa;
- Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động;
- Giấy chứng nhận thương tích;
- Giấy ra viện;
- Bản tóm tắt hồ sơ bệnh án;
- Giấy đề nghị giám định;
- Giấy giới thiệu khám giám định do vượt khả năng chuyên môn;
- Phiếu tiếp nhận hồ sơ;
- Giấy chứng sinh;
- Giấy chứng nhận nghỉ việc để dưỡng thai;
- Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội;
- Danh sách đăng ký chữ ký của người hành nghề.
Mẫu giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy ra viện, giấy chứng sinh đã phát hành trước ngày Thông tư này ban hành được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2017.
Ngoài ra, Dự thảo Thông tư còn đề cập đến nhiều nội dung khác như các cơ sở y tế, tổ chức BHXH không được quy định thêm thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh BHYT; chỉ cần nộp giấy đề nghị thanh toán sẽ được thanh toán BHXH, BHYT