Trốn đóng BHXH, doanh nghiệp bị xử lý thế nào?

Doanh nghiệp phải đóng BHXH cho người lao động đủ điều kiện tham gia BHXH. Vậy trong trường hợp trốn đóng BHXH, doanh nghiệp sẽ bị xử lý thế nào?

Trốn đóng BHXH, doanh nghiệp bị xử lý thế nào?

Trốn đóng BHXH, doanh nghiệp bị xử lý thế nào? (Hình từ Internet)

1. Trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm

Các hành vi bị nghiêm cấm đối với BHXH gồm:

- Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

- Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

- Chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

- Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

- Sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp không đúng pháp luật.

- Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động.

- Truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

- Báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin, số liệu không chính xác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Như quy định nêu trên, hành vi trốn đóng BHXH thuộc trường hợp bị nghiêm cấm theo quy định pháp luật.

(khoản 1 Điều 17 Luật BHXH 2014)

2. Trốn đóng BHXH, doanh nghiệp bị xử lý thế nào?

2.1. Xử phạt vi phạm hành chính

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, tại Khoản 10 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

- Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội;

- Buộc người sử dụng lao động nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng

Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội

Như vậy, cá nhân khi có hành vi trốn đóng BHXH sẽ bị phạt từ 50 triệu đến 75 triệu đồng. Ngoài ra, còn phải nộp lại số tiền trốn đóng và tiền lãi. 

*Lưu ý: Đối với tổ chức, mức phạt sẽ gấp 02 lần cá nhân theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

(Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

2.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự

Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động như sau:

(1) Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm đối với hành vi gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên

- Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

- Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

(2) Phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm khi thuộc trường hợp sau:

- Phạm tội 02 lần trở lên;

- Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

- Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;

- Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015.

(3) Phạt tiền từ 500 triệu đồng triệu 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm khi thuộc trường hợp sau:

- Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;

- Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;

- Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Lưu ý: Pháp nhân thương mại phạm tội nêu trên thì bị phạt như sau:

- Phạm tội thuộc trường hợp (1) thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng;

- Phạm tội thuộc trường hợp (2) thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng ;

- Phạm tội thuộc trường hợp (3) thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng.

Như vậy, hành vi vi phạm về việc trốn đóng BHXH còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự lên đến 07 năm tù. Bên cạnh đó, còn bị áp dụng hình thức cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề đến 05 năm.

(Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015)

3. Lãi suất doanh nghiệp phải nộp khi trốn đóng BHXH

Trường hợp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, BHTN từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Mức lãi suất chậm nộp BHXH tại TP.HCM: 0.7%/ tháng.

(Khoản 3 Điều 6 Quyết định 60/2015/QĐ-TTg; Thông báo 230/TB-BHXH)

Ngọc Nhi

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
557 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;