Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định 58/2020/NĐ-CP quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ BHTNLĐ, BNN được ban hành ngày 27/5/2020.
- Hồ sơ, thủ tục xin giảm mức đóng BHXH vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN của DN
- Trường hợp DN được đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN với mức thấp hơn
Thu hồi, hủy bỏ Quyết định áp dụng mức đóng thấp hơn vào Quỹ BHTNLĐ, BNN
Cụ thể, theo Điều 10 Nghị định 58/2020/NĐ-CP, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ Quyết định điều chỉnh, áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo BHTNLĐ, BNN.
Quyết định điều chỉnh, áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo BHTNLĐ, BNN sẽ bị thu hồi, hủy bỏ trong 04 trường hợp sau:
Trường hợp 1: Người sử dụng lao động có hành vi giả mạo hoặc khai man các tài liệu trong Hồ sơ đề xuất được áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ BHTNLĐ, BNN.
Trường hợp 2: Người sử dụng lao động vi phạm quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội ở mức bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong thời gian được áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ BHTNLĐ, BNN.
Trường hợp 3: Người sử dụng lao động không thực hiện báo cáo tai nạn lao động, báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời gian được áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ BHTNLĐ, BNN.
Trường hợp 4: Tổ chức đánh giá an toàn, vệ sinh lao động có hành vi gian lận làm thay đổi các điều kiện làm căn cứ đề nghị giảm mức đóng.
Trong đó, đối với trường hợp 1, người sử dụng lao động có trách nhiệm:
- Hoàn trả phần tiền đóng chênh lệch với mức đóng bình thường đã được giảm trong thời gian thực hiện Quyết định điều chỉnh, áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ BHTNLĐ, BNN.
- Thực hiện mức đóng bằng 1% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian 36 tháng kể từ khi Quyết định điều chỉnh, áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ BHTNLĐ, BNN hết hiệu lực do bị thu hồi, hủy bỏ.
Đối với trường hợp 2 và 3, người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội kể từ khi Quyết định điều chỉnh, áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ BHTNLĐ, BNN hết hiệu lực do bị thu hồi, hủy bỏ.
Đối với trường hợp 4 thì thực hiện như sau:
- Trường hợp hành vi gian lận của tổ chức đánh an toàn, vệ sinh lao động làm thay đổi các điều kiện làm căn cứ đề nghị giảm mức đóng quy định tại Điều 5 Nghị định 58/2020/NĐ-CP (thực tế, người sử dụng lao động không đáp ứng đủ điều kiện) thì người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn trả phần tiền đóng chênh lệch với mức đóng bình thường đã được giảm trong thời gian thực hiện Quyết định điều chỉnh, áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ BHTNLĐ, BNN, đồng thời thực hiện mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội kể từ khi Quyết định điều chỉnh, áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ BHTNLĐ, BNN hết hiệu lực do bị thu hồi, hủy bỏ.
- Trường hợp hành vi gian lận của tổ chức đánh giá an toàn, vệ sinh lao động không làm thay đổi việc đáp ứng các điều kiện đề nghị giảm mức đóng quy định tại Điều 5 Nghị định 58/2020/NĐ-CP thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ BHTNLĐ, BNN.
- Tổ chức và chuyên gia đánh giá an toàn, vệ sinh lao động có hành vi gian lận không được công nhận kết quả đánh giá công tác an toàn, vệ sinh lao động để xem xét mức đóng vào Quỹ BHTNLĐ, BNN trong vòng 03 năm kể từ khi có kết luận về hành vi gian lận; đồng thời bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ vi phạm.
Nguyễn Trinh
- Từ khóa:
- Nghị định 58/2020/NĐ-CP