Thời hạn báo tăng, giảm BHXH và mức phạt khi chậm đóng BHXH từ 15/4/2020

Khi phát sinh các trường hợp cần khai báo tăng, giảm BHXH thì nhiều doanh nghiệp vẫn lúng túng khi chưa nắm rõ các quy định về thời hạn khai báo cũng như nếu như không khai báo đúng thời hạn sẽ bị xử lý ra sao.

Ảnh minh họa

1. Báo tăng BHXH

Theo quy định tại Điều 99 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng, người sử dụng lao động nộp hồ sơ đăng ký tham gia và cấp sổ bảo hiểm xã hội lần đầu cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Đối với trường hợp tăng người lao động đóng BHXH thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày phát sinh tăng, người sử dụng lao động phải báo tăng BHXH đến cơ quan BHXH.

Mức phạt khi chậm báo tăng BHXH:

Theo khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì trường hợp người sử dụng lao động chậm đóng BHXH từ 30 ngày trở lên thì:

- Phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng;

- Bị xử lý theo quy định của pháp luật;

- Phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, theo điểm a khoản 4 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020, sẽ phạt tiền từ 24% đến 30% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 150.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp. (Nội dung này cũng đã được quy định trước đó tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP).

2. Báo giảm BHXH

Khoản 2 Điều 50 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế quy định về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như sau:

a) Thực hiện lập, nộp hồ sơ; trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo đúng quy trình, quy định tại Văn bản này và quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Trường hợp đơn vị lập danh sách báo giảm chậm, đơn vị phải đóng số tiền BHYT của các tháng báo giảm chậm và thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết các tháng đó.

Đồng thời, theo Điều 10 Công văn 1734/BHXH-QLT về việc hướng dẫn thu BHXH, BHYT, BHTN, BH TNLĐ-BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT thì khi có người lao động nghỉ việc, tức có phát sinh giảm người lao động, doanh nghiệp cần phải lập hồ sơ báo giảm BHXH của tháng sau bắt đầu từ ngày 28 tháng trước và sau khi báo giảm thì không được báo phát sinh tháng trước. Các doanh nghiệp cũng có thể báo giảm từ ngày 01 tháng sau nhưng trong trường hợp này, doanh nghiệp phải đóng giá trị BHYT của tháng sau.

Hiện tại, trong trường hợp báo giảm chậm thì không có quy định xử phạt nhưng doanh nghiệp phải đóng BHYT cho người lao động trong các tháng báo chậm báo giảm.

Hải Thanh 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
6672 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;