Bộ Tài chính hiện đang lấy ý kiến góp ý để trình Chính phủ Dự thảo Nghị định hướng dẫn triển khai bảo hiểm vi mô áp dụng cho các tổ chức bảo hiểm vi mô (bao gồm tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp) và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Điều kiện cấp phép thành lập tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô
- Quy định về các sản phẩm bảo hiểm vi mô
Bảo hiểm vi mô là một khái niệm khá mới mẻ, khác với loại hình kinh doanh bảo hiểm phổ biến, bảo hiểm vi mô hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và tới thời điểm hiện nay cũng chưa có văn bản nào quy định về nội dung này.
Bảo hiểm vi mô được hiểu là các sản phẩm bảo hiểm do các tổ chức chính trị xã hội cung cấp cho các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ trước những rủi ro có thể xảy ra trong cuộc sống, theo nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi về bảo hiểm.
Theo Dự thảo Nghị định, các tổ chức bảo hiểm vi mô có thể cung cấp một hoặc một số các sản phẩm bảo hiểm vi mô như:
- Sản phẩm bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ và vĩnh viễn: chi trả số tiền bảo hiểm và có thể chi trả quyền lợi hỗ trợ mai táng phí, hoàn phí bảo hiểm theo thỏa thuận;
- Sản phẩm bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ và vĩnh viễn trong khi đang còn vay nợ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính vi mô: thay mặt người được bảo hiểm chi trả số tiền còn phải trả cho ngân hàng hoặc tổ chức tài chính vi mô theo thỏa thuận;
- Sản phẩm bảo hiểm sức khỏe: hỗ trợ chi phí nằm viện, phẫu thuật cho người được bảo hiểm theo thỏa thuận;
- Sản phẩm bảo hiểm tai nạn cá nhân: chi trả số tiền bảo hiểm tương ứng với tỷ lệ thương tật do tai nạn của người được bảo hiểm;
- Sản phẩm bảo hiểm tiết kiệm tuổi già: cung cấp quyền lợi tiền mặt bằng giá trị tài khoản của hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận khi người được bảo hiểm đạt đến tuổi nghỉ hưu;
- Sản phẩm bảo hiểm thiệt hại tài sản cho hộ gia đình: chi trả số tiền bảo hiểm theo thỏa thuận do thiệt hại về tài sản của hộ gia đình người được bảo hiểm.
Theo đó, người thu nhập thấp sẽ được hưởng những quyền lợi bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của mình. Giữa tổ chức bảo hiểm vi mô và bên mua bảo hiểm sẽ có một sự thỏa thuận về người được bảo hiểm là bên mua bảo hiểm hoặc cả hộ gia đình của bên mua bảo hiểm.
Sản phẩm bảo hiểm vi mô phải đáp ứng các đặc điểm cơ bản như:
- Trừ sản phẩm bảo hiểm tiết kiệm tuổi già, thời hạn bảo hiểm không được quá một (01) năm và có thể được tái tục hàng năm.
- Thủ tục thẩm định bảo hiểm đơn giản hoặc không cần thẩm định bảo hiểm.
- Đối với sản phẩm bảo hiểm dành cho người được bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ và vĩnh viễn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tai nạn cá nhân thì:
- Số tiền bảo hiểm trên từng người được bảo hiểm không vượt quá năm (05) lần thu nhập hàng năm của hộ cận nghèo ở thành thị theo quy định của Chính phủ;
- Phí bảo hiểm hàng năm không vượt quá 6% thu nhập bình quân đầu người của hộ cận nghèo ở thành thị.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã phê chuẩn cho 03 doanh nghiệp triển khai sản phẩm bảo hiểm vi mô là Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential, Công ty TNHH Manulife (Việt Nam) và Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam. Các doanh nghiệp này cũng đã cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô với phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, sản phẩm bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu. Một số tổ chức chính trị-xã hội cũng đã và đang cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô cho các hội viên của mình, điển hình là Hội Liên hiệp phụ nữ và Trung tâm Hỗ trợ phát triển nguồn lực tài chính cộng đồng.
Sắp tới nếu Dự thảo Nghị định hướng dẫn về bảo hiểm vi mô được thông qua sẽ có căn cứ pháp lý cũng như quy định cụ thể hơn về loại hình bảo hiểm này.