Đây là quy định đáng chú ý tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Ảnh minh họa
Theo đó, Nghị định này đã rút ngắn thời hạn theo quy định để người sử dụng lao động chi trả chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 40 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không trả chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được tiền do cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển đến.
Như vậy, kể từ ngày 15/04/2020, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được tiền do cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển đến. Nếu quá hạn kể trên thì người sử dụng lao động có thể bị phạt tối đa đến 2.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động.
Hiện nay, theo quy định tại Khoản 21 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi điểm b Khoản 2 Điều 28 định Nghị 95/2013/NĐ-CP thì thời hạn chi trả là không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận quyết định chi trả của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Có thể thấy, bên cạnh việc rút ngắn thời hạn chi trả chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Nghị định 28 cũng quy định lại cách tính thời điểm bắt đầu chi trả chế độ của người sử dụng lao động. Việc thay đổi này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, quy định mới giúp cho người lao động sớm nhận được tiền chi trả chế độ và cơ quan bảo hiểm có trách nhiệm chuyển tiền sớm để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Xem thêm các quy định khác của Nghị định 28/2020/NĐ-CP TẠI ĐÂY.
Toàn Trung