BHXH là căn cứ quan trọng để xác định các mức hưởng thai sản, ốm đau, hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp của NLĐ. Vậy trong trường hợp Công ty cũ không chốt sổ BHXH khi NLĐ chấm dứt hợp đồng, đâu là cách để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ?
NLĐ nên làm gì khi công ty cũ không chốt sổ BHXH? (Ảnh minh họa)
Trước khi tìm hiểu những cách mà NLĐ có thể làm để bảo vệ quyền lợi của mình thì cần phải biết ai là người có trách nhiệm chốt sổ BHXH cho NLĐ.
Căn cứ tại khoản 3 Điều 47 Bộ luật Lao động 2012: “NSDLĐ có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH và những giấy tờ khác mà NSDLĐ đã giữ lại của NLĐ”. Quy định này không thay đổi khi Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ năm 2021.
Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã làm rõ hơn quy định trên tại khoản 5 Điều 21, theo đó NSDLĐ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho NLĐ, xác nhận thời gian đóng BHXH khi NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
Do đó, trách nhiệm chốt sổ BHXH thuộc về NSDLĐ. Nếu NSDLĐ không thực hiện trách nhiệm này thì NLĐ hoàn toàn có căn cứ xác đáng để tự bảo vệ quyền lợi cho mình theo các cách sau:
1. Khiếu nại
Theo Điều 118 Luật BHXH 2014, NLĐ có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của NSDLĐ khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về BHXH, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Việc giải quyết này được thực hiện bằng con đường khiếu nại. Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP nêu ra 02 quy trình khiếu nại:
-
Khiếu nại lần đầu: Thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu thuộc về NSDLĐ. Thời hạn giải quyết khiếu nại từ 30 đến 60 ngày. Nếu NLĐ không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định trên khiếu nại không được giải quyết thì NLĐ có quyền khởi kiện tại tòa án theo trình tự về tố tụng dân sự, hoặc khiếu nại lần hai.
-
Khiếu nại lần hai: Thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai thuộc về Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi NSDLĐ đặt trụ sở chính. Thời hạn giải quyết khiếu nại từ 45 đến 60 ngày. Nếu NLĐ không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc quá thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết thì NLĐ có quyền khởi kiện tại tòa án theo trình tự về tố tụng hành chính.
2. Khởi kiện tại Tòa án
Hầu hết các tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, tuy nhiên trong trường hợp tranh chấp lao động về BHXH thì không cần phải hòa giải trước. Do đó, NLĐ chỉ cần tiến hành nộp đơn khởi kiện tại Tòa án theo đúng quy định thì sẽ được xem xét thụ lý vụ án.
- Trường hợp khởi kiện bằng con đường tố tụng dân sự, NLĐ được quyền khởi kiện khi:
-
Có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của NSDLĐ; tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp; doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình;
-
Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu;
-
Đã hết thời hạn mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết.
- Trường hợp khởi kiện bằng con đường tố tụng hành chính thì cần các điều kiện sau đây:
-
Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
-
Đã hết thời mà khiếu nại lần hai không được giải quyết.
3. Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết
Từ ngày 01/01/2021, Bộ luật Lao động 2019 quy định thêm một cách để giải quyết tranh chấp lao động, đó là thông qua con đường Hội đồng trọng tài lao động.
Thời hạn giải quyết: không quá 30 ngày. Nếu hết thời hạn này mà Hội đồng không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Lưu ý: Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết.
Ngài ra, để hạn chế tình trạng trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 28/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động. Theo đó, mức phạt đối với hành vi không chốt sổ BHXH cho NLĐ sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi NLĐ nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với NSDLĐ. Thẩm quyền xử phạt thuộc về Thanh tra viên, Chánh Thanh traSở Lao động hoặc Chánh Thanh tra Bộ Lao động.
Như vậy, để bảo vệ quyền lợi cho mình, NLĐ có thể thực hiện theo 03 cách trên đây khi công ty cũ không chốt sổ BHXH.
Phương Thanh
- Từ khóa:
- Nghị định 28/2020/NĐ-CP