Nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ chịu nhiều thiệt thòi về sau

Sau khi nghỉ làm, hầu hết người lao động đều muốn lĩnh ngay tiền bảo hiểm xã hội một lần để trang trải cuộc sống, đầu tư hay kinh doanh,... Tuy nhiên, người lao động không biết rằng, việc nhận BHXH một lần lúc này chỉ mang lại lợi ích trước mắt nhưng NLĐ sẽ phải chịu rất nhiều thiệt thòi về sau.

Ảnh minh họa

1. Những trường hợp nào người lao động được nhận BHXH một lần?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13, pháp luật chỉ cho phép giải quyết BHXH một lần trong một số trường hợp nhất định, cụ thể, người lao động được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

- Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH, trong đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động là:

+ Đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ;

+ Đủ 55 - 60 tuổi đối với nam, đủ 50 - 55 tuổi đối với nữ và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;

+ Đủ 50 - 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;

+ Bất cứ độ tuổi nào khi bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

- Lao động nữ hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đủ 55 tuổi mà khi nghỉ việc chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.

- Ra nước ngoài để định cư.

- Mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.

- Công an, bộ đội khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

- Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.

Trong những trường hợp này, nếu có yêu cầu, người lao động tham gia BHXH bắt buộc sẽ được giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội 1 lần.

2. Những thiệt thòi khi người lao động nhận BHXH một lần

Theo Khoản 3, điều 5 Luật BHXH 2014 về nguyên tắc BHXH thì:

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Do đó, khi nhận BHXH một lần, người lao động chỉ thấy cái lợi trước mắt là được nhận một khoản tiền lớn một lúc mà không thấy được những thiệt thòi về sau, đặc biệt là khi hết tuổi lao động. Cụ thể:

- Số tiền BHXH nhận được ít hơn nhiều so với số tiền đóng.

Điều 5 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định, hàng tháng, người lao động đóng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí, tử tuất; người sử dụng lao động đóng 14% trên quỹ tiền lương đóng BHXH của người lao động vào quỹ này.

Như vậy, mỗi tháng, người lao động phải đóng tổng 22% mức tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, tương đương 01 năm đóng 22% x 12 = 2,64 tháng lương.

Trong khi đó, Khoản 2, điều 60 Luật BHXH quy định mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

  • 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;

  • 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Theo đó, có thể thấy, so với số tiền đóng thì số tiền BHXH một lần nhận được ít hơn rất nhiều.

- Không được cộng nối thời gian tham gia BHXH.

Cụ thể, theo quy định tại điều 61 Luật BHXH 2014, người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu hoặc chưa hưởng BHXH một lần thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH. Như vậy, trường hợp này, nếu chưa nhận BHXH một lần, người lao động sẽ được cộng nối với thời gian tham gia BHXH trước đó. Ngược lại, nếu đã nhận BHXH một lần, thời gian tham gia BHXH sau này sẽ được tính mới và điều này có thể dẫn tới người lao động sẽ không đủ điều kiện hưởng lương hưu khi đã hết tuổi lao động.

- Có thể không được cấp thẻ bảo hiểm miễn phí.

Theo Điều 2 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, đối tượng được cơ quan BHXH đóng BHYT bao gồm:

  • Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng;

  • Người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định của Chính phủ;

  • Người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành;

  • Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng;

  • Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi;

  • Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Như vậy, người đang nhận lương hưu sẽ được nhận thẻ BHYT miễn phí. Trường hợp đã nhận BHXH một lần dẫn tới việc không đủ điều kiện hưởng lương hưu thì đương nhiên, người lao sẽ không được nhận thẻ BHYT miễn phí mà phải tham gia theo hình thức BHYT hộ gia đình.

Lưu ý: Từ năm 2021, điều kiện hưởng lương hưu của người lao động sẽ được chiết chặt hơn. Cụ thể, theo Điểm a, Khoản 1, Điều 219 Bộ Luật Lao động 2019 sửa đổi Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì từ năm 2021, người lao động phải có đủ 20 năm đóng BHXH; nam đủ 60 tuổi 3 tháng; nữ đủ 55 tuổi 4 tháng (sau đó mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam; 4 tháng với nữ để đến năm 2028, nam nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi và năm 2035, nữ nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi). 

Nguyễn Trinh 

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1593 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;