Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi nào?

Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi nào? Trường hợp đang hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng có việc làm và phải dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp thì khoảng thời gian còn lại đáng lẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ đi về đâu, sau này có được hưởng tiếp không?

bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp, Nghị định 61/2020/NĐ-CP

Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi nào? - Ảnh minh họa

Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT xin giải đáp những vướng mắc này như sau:

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 9 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH thì bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được xác định như sau:

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu

=

Tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp

-

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đã hưởng trợ cấp thất nghiệp

Trong đó, các trường hợp người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:

Trường hợp 1: Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động không đến nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo Khoản 8 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP thì trong 03 ngày làm việc được ghi trên phiếu hẹn trả kết quả, nếu người lao động không đến nhận quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc không ủy quyền cho người khác đến nhận quyết định và không thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm về lý do không thể đến nhận thì được coi là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày người lao động hết hạn nhận quyết định theo phiếu hẹn trả kết quả, trung tâm dịch vụ việc làm trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quyết định về việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.

Trường hợp 2: Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp

Căn cứ theo Khoản 6 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP: “Sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày người lao động hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp và không thông báo bằng văn bản với tổ chức bảo hiểm xã hội nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động đó được xác định là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp.”

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với số tiền trợ cấp thất nghiệp mà người lao động không đến nhận được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

Tổ chức bảo hiểm xã hội căn cứ quyết định về việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động thực hiện bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp vào sổ bảo hiểm xã hội theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Trường hợp 3: Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động có những tháng lẻ chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp

Cụ thể, Khoản 7 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định: “Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 36 tháng thì những tháng lẻ chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

Tổ chức bảo hiểm xã hội căn cứ quyết định của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp vào sổ bảo hiểm xã hội theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Trường hợp 4: Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trong các trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp

Căn cứ theo Khoản 9 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 5 Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, khi bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc các trường hợp dưới đây thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với thời gian chưa nhận trợ cấp được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng tiếp theo:

  • Có việc làm;

  • Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

  • Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

  • Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

  • Bị tòa án tuyên bố mất tích;

  • Bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù.

Như vậy, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có việc làm, thì cũng không phải lo lắng rằng khoảng thời gian chưa được nhận trợ cấp thất nghiệp sẽ không còn, mà khoảng thời gian này sẽ được bảo lưu lại để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thời gian bảo lưu được tính bằng tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trừ đi thời gian đóng đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo nguyên tắc mỗi tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng 12 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp và trừ những tháng lẻ chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp được bảo lưu trong quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có).

Tổ chức bảo hiểm xã hội căn cứ quyết định về việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động thực hiện việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp vào sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Lê Hải

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
947 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;