Mức đóng BHYT cho người tham gia theo hình thức hộ gia đình năm 2021

Người tham gia BHYT có thể lựa chọn đóng theo hình thức hộ gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng được tham gia BHYT theo hình thức này. Vậy, những đối tượng nào sẽ được tham gia, mức đóng BHYT cho người tham gia theo hình thức hộ gia đình được quy định ra sao?

Mức đóng BHYT, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014

Mức đóng BHYT cho người tham gia theo hình thức hộ gia đình năm 2021 (Ảnh minh họa)

Căn cứ quy định tại khoản 1, 7 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014; khoản 2 Điều 37 Luật cư trú 2020, tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình được hiểu là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.

Các đối tượng được tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình theo quy định tại khoản 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP bao gồm:

(1) Người có tên trong sổ hộ khẩu;

(2) Người có tên trong sổ tạm trú;

(3) Các đối tượng là:

  • Chức sắc, chức việc, nhà tu hành;

  • Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội mà không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.

Lưu ý: Các đối tượng nêu trên phải không thuộc nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng; do ngân sách nhà nước đóng; được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng và do người sử dụng lao động đóng.

Đối với các đối tượng (3), tại Điều 4 Thông tư 30/2020/TT-BYT hướng dẫn việc xác định căn cứ vào một trong các giấy tờ sau đây:

  • Đối với chức sắc, chức việc, nhà tu hành: sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc danh sách có đóng dấu của tổ chức tôn giáo trực tiếp quản lý chức sắc, chức việc, nhà tu hành;

  • Đối với người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội: sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc danh sách có đóng dấu của cơ sở bảo trợ xã hội nơi người đó đang cư trú.

Về mức đóng BHYT đối với người tham gia theo hình thức hộ gia đình, theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP được xác định như sau:

  • Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở;

  • Người thứ hai đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất;

  • Người thứ ba đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất;

  • Người thứ tư đóng bằng 50% mức đóng của người thứ nhất;

  • Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Lưu ý:

- Việc giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế được thực hiện khi các thành viên tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.

- Khoản 2 Điều 4 Thông tư 30/2020/TT-BYT hướng dẫn việc giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế đối với các đối tượng tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình được thực hiện ngay từ người thứ hai trở đi có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc trong danh sách có đóng dấu của tổ chức tôn giáo, cơ sở bảo trợ xã hội.

Theo Nghị quyết 128/2020/QH14, năm 2021 sẽ chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở. Như vậy, mức lương cơ sở áp dụng năm 2021 theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP vẫn tiếp tục là 1.490.000 đồng/tháng. Theo đó, mức đóng BHYT theo hình thức hộ gia đình sẽ là:

Người

Tỷ lệ

Mức đóng

Thứ nhất

4,5%

67.050 đồng/tháng

Thứ hai

70%

46.935 đồng/tháng

Thứ ba

60%

40.230 đồng/tháng

Thứ tư

50%

33.525 đồng/tháng

Thứ năm

40%

26.820 đồng/tháng

Nhìn chung, do ảnh hưởng của Covid-19, mức lương cơ sở 2021 vẫn giữ nguyên nên mức đóng BHYT cho người tham gia theo hình thức hộ gia đình dựa trên mức lương cơ sở cũng sẽ không thay đổi.

Thùy Trâm

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1643 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;