Lương hưu là chính sách quan trọng nhằm bảo đảm thu nhập cho người lao động đã hết độ tuổi lao động để ổn định cuộc sống. Trường hợp người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm đóng BHXH thì làm sao để được hưởng lương hưu?
- Từ 2021, khi soạn thảo hợp đồng lao động cần lưu ý 05 nội dung sau
- Người lao động đã nghỉ hưu vẫn tiếp tục làm việc cần lưu ý điều gì?
Làm sao hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm đóng BHXH? (Ảnh minh họa)
Theo quy định của Bộ Luật lao động 2019 và Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động nghỉ hưu được hưởng lương hưu khi đáp ứng 2 điều kiện sau:
(1) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 Bộ Luật lao động 2019:
Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là:
-
Đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam; và
-
Đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ.
Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
(2) Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên theo quy định tại Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Như vậy, người lao động muốn được hưởng lương hưu thì tối thiểu phải đáp ứng 2 điều kiện: một là đủ tuổi nghỉ hưu và hai là đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Vậy trường hợp người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn chưa đủ số năm tham gia bảo hiểm xã hội thì nên giải quyết thế nào?
Theo đó, để bù vào khoảng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội còn thiếu người lao động có thể lựa chọn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hướng dẫn tại Nghị định 134/2015/NĐ-CP như sau:
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:
-
Đóng hằng tháng;
-
Đóng 03 tháng một lần;
-
Đóng 06 tháng một lần;
-
Đóng 12 tháng một lần;
-
Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;
-
Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo một trong các phương thức nêu trên cho đến khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu.
Tóm lại, trường hợp người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng thiếu số năm tham gia bảo hiểm xã hội thì giải quyết như sau:
- Trường hợp số năm tham gia bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm: Đóng 1 lần bảo hiểm xã hội tự nguyện cho những năm còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
- Trường hợp số năm tham gia bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm: Tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đến khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm mới được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu.
Ví dụ: Bà A đến tháng 2/2021 thì đủ 55 tuổi 04 tháng (đã đủ tuổi nghỉ hưu) nhưng chỉ mới đóng bảo hiểm xã hội được 7 năm (thiếu 13 năm tham gia bảo hiểm xã hội). Nếu Bà A muốn hưởng hương hưu thì có thể lựa chọn đóng tiếp BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức: hằng tháng, 3 tháng một lần, 6 tháng một lần, 12 tháng một lần, đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần cho đến khi thời gian tham gia bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì có thể đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu.
Trên đây là toàn bộ những tư vấn của THƯ KÝ LUẬT về giải pháp để người lao động được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội.
Thùy Trâm
- Từ khóa:
- Bộ luật Lao động 2019